Vùng Sài Gòn -Gia Định có nhiều địa danh rất đơn giản, biều lộ tính mộc mạc, tả chân, có gì thì nói đó của dân Nam, rải rác khắp nơi như Xóm Củi, Xóm Chiếu, Xóm Lò Gốm, Xóm Thơm, Xóm Lò Vôi, nhưng hiếm có một xóm có tên của động vật Xóm …Gà.
Tôi cũng không thấy mấy ai viết về những cái xóm này. Tôi không biết ông Cố tôi đến định cư ở đây lúc nào, chỉ biết họ gọi nhà ông tôi là nhà ông Phó, nhà cất theo kiểu Pháp ông mất đi năm 1962 tròn 92 tuổi.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Xóm Gà cho đến khi rời Việt Nam, nên kỷ niệm của tôi về Sài Gòn và Xóm Gà rất thâm sâu, không bao giờ phai nhạt.
Xóm Gà có một diện tích rất nhỏ (khoảng 3-4 cây số vuông), băt đầu từ ngả tư Xóm Gà (ngả tư Lê Quang Định và Nguyển văn Đậu, tên xưa ngả tư đường làng 15 và 20) giáp giới với Đông Nhì (Bắc) Cây Thị (Đông) Cây Quéo (Tây) Bình Hòa (Nam)
Xóm Gà, ngày xưa thuộc Bình Hòa Xả, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, là xả tiếp cận với quận 1 Sài Gòn chỉ cách nhau qua cầu Bông (trên đường Lê Văn Duyệt bây giờ là Đinh Tiên Hoàng) và cầu Sắt trên đường Bùi Hữu Nghĩa (xưa chỉ dành cho tuyến xe lửa ). Ngày nay thuộc quận Bình Thạnh. phường 11. Ngày xưa có ba ga xe lửa nằm trên đường Lê Quang Định (Bình Hòa, Xóm Gà và Đông Nhì) trên tuyến đường Gò Vấp ra đến Sài Gòn. Tôi nhớ mang mán thấy đường rầy xe lửa và ga nữa. Đối diện vớí ga Xóm Gà là thành cai tổng Huy hay Qui gì đó kiến trúc đồ sộ, kiểu Pháp xưa (có lẽ trước đó là nhà của cai Tổng, sau bị trưng dụng ?) . Hồi còn nhỏ, trước 1954 tôi thấy người ta bị bắt dẫn vào thành này thẩm vấn, có lúc bị bao đầu chỉ chừa mắt để chỉ điểm (thời Tây mà !). Sau thành này là đổi thành trường trung học Tân Phương, cạnh bồn nước (giờ vẫn còn) . Sở dỉ có tên Xóm Gà là vì nơi đây là trường đá gà, chớ không phải nuôi gà nhiều (tôi không thấy ai nuôi gà nhiều ở đây, ông cố kể lại trước đây, đức tả quân Lê văn Duyệt Tổng Trấn Gia Định thành rất thich đá gà, và ở vùng Saigon- Gia định có nhiều trường gà , trường gà lớn ở Quân 1 Sài Gòn, nghe nói gần dinh Độc Lập , bây giờ là Hội trường Thống Nhất ) và nhiều trường gà nhỏ, một ở Xóm Gà ! Đức tả quân thường đến trường gà lớn để chơi đá gà. Mộ đức tả quân và phu nhân hiện nằm trong khu Lăng Ông ở Bà Chiểu (gọi tắt là Lăng Ông Bà Chiểu)
Đường Nguyễn Văn Đậu (trước đây là Ngô Tùng Châu, trước đó đường làng 20 không đèn, những ngày đầu được điện hóa, bà con đi dạo chơi như đi mở hội dưới ánh đèn vàng, không may tôi lại bị xe đạp tung vào, phải vào nằm nhà thương Chợ Rẩy mất một tuần). Đưòng này ngày xưa có một khu vườn rất lớn, gọi là vườn ông Thinh (của gia đình thủ tướng Nguyễn Văn Thinh thời Nam Kỳ tự trị ?) , đoạn đường gần ngả tư Xóm Gà cũng nên thơ lắm có hai hàng cây sao ở hai bên đường, hoa sao có hai cánh nâu lúc rơi quay như bông vụ đặc biệt khi có gió thổi nhiều, học trò đi học về, nhặt hoa thẩy tung lên biến thành cả đàn chim cánh nâu tung bay quây tròn đẹp mắt. Tuổi thơ ngây thơ và đẹp quá phải không!. Trên đường Ngô Tùng Châu củng có một đặc điểm thời đó là nhà hàng cây vườn bán thịt dơi, gọi là Quán dơi, theo tôi đuợc biết đây là quán dơi đầu tiên ở Sài Gòn-Gia Định, chuyên bán nhiều món thịt dơi, hình như sau đó một thời gian thì đóng (không nhớ khi nào).
Ngay ngả tư Xóm Gà trước 75 có “bót” cảnh sát Nguyễn Văn Gặp và một tiệm mì-hủ tiếu-xíu mại-dầu chao quẩy-bánh bao, điển hình cho những tiệm ăn Tàu ở các ngả tư, ngả năm đông người qua lại thời đó. Thường má tôi sai tôi mang “gà mên” đi mua đem về ăn.
Đường Lê Quang Định Xóm Gà đi về hướng về ngả tư Bình hoà, có nhà ông Thầy nước lạnh, ngày xưa , người ta đồn rằng nước lạnh được ông làm “phép” trị bá bịnh. Dân chúng có một thời đổ xô tới đây tràn cả ra đường, nhiều khi đến hổn loạn, ngày nào cảnh sát cũng phải đến giữ trật tự. Khu đất nhà ông thầy bây giờ là cao ốc cách ngả tư Xóm Gà khoảng hơn 100m, còn mộ của ông nằm trong Hưng Gia Tự ? phía bên kia đường cách đó khoảng 100m.
Lúc nhỏ tôi chẳng hiểu tại sao và ba tôi không bao giờ tin điều ấy, ông Thầy nước lạnh làm chung sở với ba tôi, là một viên lục sự tại tòa án Sài Gòn nằm trên đường Công Lý (bây giờ là Nam kỳ khởi nghĩa) .
Ngả tư Bình Hòa trước có quán cơm tấm rất nổi tiếng, giá bình dân, ngon nhất là cơm bì xườn, hoặc cơm với lòng heo phá lấu. Quán của bà chỉ bán từ 5 gìờ sáng đến 11-12 giờ trưa là xong. Mì Minh Sanh nổi tiếng vùng này giống như mì Cây Nhản ở Đakao, nhưng cách nấu khác với mì Cây Nhãn-trong nước lèo không có thịt heo bầm nhỏ, thường tôi và các bạn sau một chầu dạo đêm Honda vòng quanh Sài gòn ghé đây ăn mì và Xâm bảo lượng rồi chia tay về trước giới nghiêm 12 giờ đêm. Một điểm đáng chú ý có lẻ nơi đây là nơi xuất phát món bánh mì thịt có bơ đánh hột gà và paté. Xe bán bánh mì này dĩ nhiên rất thành công, mỗi lần ba tôi “thăm” ông hớt tóc – cũng mua bánh mì về cho các con vì tiệm này sát xe bán mì-. Tất cả, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm đẹp của một thời, ngọai trừ cây xăng Bình Hòa vẫn còn đó như còn thương chốn cũ.
Cây xăng ngả tư Bình Hòa 12-1989
Đường Lê Quang Định Xóm Gà, đi về hướng Gò Vấp, bên phải có chùa Dược Sư, Tịnh Thất Liên Hoa, hẻm vào chùa Linh Ứng-bây giờ có thêm Châu An tự, tịnh xá Ngọc Phương và chùa Già lam, hai chùa Dược Sư và Già Lam là hai chùa nổi tiếng ở miền Nam, nhất là trong khoảng thời gian 1960-1974. Chùa Già Lam được xem là nơi lai vảng của các Hoà Thượng, Thượng Tọa thuộc khối Ấn Quang. Chùa Dược Sư chỉ dành cho sư nữ. Đối diện với chùa là viện nuôi trẻ mồ côi, bây giờ không còn nữa
Già Lam
Châu An
Dưọc Sư
Tịnh xá Ngọc Phương
Chùa Già Lam cũng là nơi yên nghỉ của một số nhân vật nổi tiếng miền Nam như Nhạc Sĩ Y Vân, người đã làm bao nhiêu người nhỏ lệ với bản nhạc bất hủ Lòng Mẹ . Cặp nghệ sĩ tiền phong khét tiếng Năm Châu và Kim Cúc hoạt động trong nhiều lảnh vực nghệ thuật : Cải lương-kịch-điện ảnh
Y Vân
Kim Cúc
Năm Châu
Một vị tướng VNCH anh hùng-“chết theo thành”-tuẫn tiết ngày 1 tháng 5, 1975, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam
Được biết Thich Trí Quang trước 75 , linh hồn của khối PG Ấn quang, người đã gián tiếp đưa đến sự sụp đổ VNCH, trên 90 tuổi, đang tu thiền, tu thư kinh Phật ở chùa Già Lam.
Tiếp đó là rap Đông Nhì đối diện với trại cưa (nay không còn nửa), vượt qua cầu Hang đến chợ Gò Vấp,
bên hông phải chợ là đường Gia Long (bây giờ là Nguyễn văn Nghi) có rạp hát Lạc Xuân (không thấy được trong ảnh, nay là nhà sách Lạc Xuân). Đường Lê Quang Định khúc Xóm Gà bây giờ nổi tiếng gà quay về chiều tối với những hàng bán trái cây đủ loại. Ngoài những chùa kể trên, trong xóm còn có chùa Vạn Đức (không còn nửa) , chùa Pháp Vân cách hảng nước đá lâu đời trên đường Nguyễn Văn Đậu, mà người lái Taxi trọng tuổi đều biết.
Xóm Gà còn là nơi cư ngụ , lai vảng của những văn, thi sĩ , nhà báo tên tuổi ngày xưa như Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên, Trần Tấn Qưốc ( người đã sáng lập giải Thanh Tâm cho lảnh vực cổ nhạc Cải lưong (một trong những nghệ sĩ đoạt giải thưởng này là cô Thanh Nga) . Trước 75, Trang Thanh Lan và một sô ca sĩ thuộc lò Tùng Lâm ở đây và một số ca kich sĩ thường hay lai vảng như Hùng Cương, Thanh Hùng…Về sau Tùng Lâm cũng nhận Xóm Gà “làm quê hương”. Cách nhà tôi không xa có một gia đình vớí tên tuổi mà hầu như ai cũng biết đến -Tô Văn Lai và Thúy Nga Paris và gia đình cha mẹ cô Thúy (tên Thúy Nga là tên ghép của cô Thúy và người bạn thân tên Nga) ở cư xá Thanh Bình 2 đường Ngô Tùng Châu (nay Nguyễn văn Đậu)
Theo Wikipedia “Trong những ngày tháng “rong chơi” Sài Gòn, Xóm Gà cũng là nơi Trung niên thi sĩ (Bùi Giáng) đã dạo qua:
- Ngoại ô
- Sài Gòn bất tận ngoại ô
- Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò
- Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co
- Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam.
Năm 2001, địa danh Xóm Gà được nhắc tới lần nữa trong tập truyện Sài Gòn vang bóng của Phan Thứ Lang. Đó là bài “Xóm Gà – vùng đất của mấy tay anh chị thời xưa” và bài “Thi sĩ Tản Đà đóng Cinéma ở Xóm Gà”.
Gần đây hơn, năm 2006, sân khấu kịch Sài Gòn cũng đã ra mắt khán giả kịch bản Xóm Gà của Vương Huyền Cơ. Vở bi hài kịch này do Trần Ngọc Giàu làm đạo diễn.”
Xóm Gà trong trí nhớ của tôi không phải là khung trời văn nghệ, Xóm Gà với cái tên bình dân, khiêm nhường, bé nhỏ nhưng tràn đầy kỷ niệm thương yêu, những đêm hè có đom đóm bay trên hàng rào bao phủ mồng tơì, tiếng ve sầu vang trên xóm vắng, tiếng gà gáy bên nhà hàng xóm hay chiều về én liện trên không, đêm trăng sáng với tiếng rao bán mời mọc của các người bán hàng rong, chè, bắp, chuối nướng, tiếng cóc cóc của hai thanh gổ nhỏ đánh vào nhau của xe mì dạo. Từ 1975 trở về trước nữa đầu thế kỷ, người xưa trong xóm mà Vương Hồng Sển gọi là người Sài Gòn xưa, ở những vùng như Xóm Gà là nguồn cung cấp sức lao động cho Sài Gòn, ra đi khắp bốn phưong trời rồi kẻ đến muôn phương,nhà cất lên san sát, không trật tự, đổi đời, nhưng dù sao những ngôi chùa vẫn còn đó để chửng kiến bao nhiêu chuyện đổi thay, nơi dừng lại cho bao nhiêu tâm hồn rạn nứt, “tâm tình biết tỏ cùng ai” đi tìm chút thanh thản và thầm ước an lành trong cuộc sống
[yotuwp type="keyword" id="Xóm Gà – Hoài niệm thương yêu" ]Hợp âm guitar và tư thế bấm trong bài: