#PhùngNguyên: Tác phẩm âm nhạc kích thích sự tò mò về nguồn gốc văn hóa của Phùng Nguyên.
1. Bôn tứ giác và rìu bôn có vai
Theo Hoàng Xuân Chinh (2005:192,218) đặc trưng nổi bật của văn hóa Phùng Nguyên là có nhiều rìu bôn tứ giác và có rất ít rìu bôn có vai. Trong số 881 chiếc rìu bôn còn nguyên ở di chỉ Phùng Nguyên, có tới 777 chiếc tứ giác và chỉ có 4 chiếc có vai. 1
Theo Jiao (2007a:116) tại Phúc Kiến, bôn tứ giác là dạng bôn chính cho đến hậu kỳ Đá Mới, đặc biệt, di chỉ Đàm Thạch Sơn chỉ có bôn tứ giác.
Như vậy, sự trội vượt của bôn tứ giác trong công cụ đá chính là điểm tương đồng đầu tiên giữa văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đàm Thạch Sơn ở Phúc Kiến.
2. Bôn tứ giác cỡ nhỏ và lối sống săn bắt hái lượm
Hoàng Xuân Chinh-Nguyễn Ngọc Bích (từ đây viết HX Chinh-NN Bích-1978:38) cho biết: bôn ở di chỉ Phùng Nguyên phần lớn cỡ nhỏ (dài dưới 4cm, rộng dưới 2,8 cm) và dạng được coi là lớn (dài trên 10 cm) cũng nhỏ hơn bôn nơi khác. Đặc biệt, có những chiếc “nhỏ nhắn, xinh xắn…mài nhẵn toàn thân như đồ chơi trẻ em… nhỏ đến mức khiến người ta nghi ngờ khả năng xử dụng thực tế của chúng”.
Cũng theo Jiao (2007 a:119, 2007b: 106), tại Phúc Kiến, bôn của văn hóa Xác Khâu Đầu thường có cỡ nhỏ, niên đại càng sớm cỡ càng nhỏ ( phần lớn dài 5-7cm, rộng 2-4 cm, trung bình dài 6,2 cm, rộng 3 cm). Đa số bôn của văn hóa Đàm Thạch Sơn cũng chỉ dài 4-6 cm, rộng 2,5 -3 cm.
Các nhà khảo cổ học nhất trí cho rằng: việc làm bôn cỡ nhỏ có nhiều lợi ích: tốn ít nguyên liệu, dễ làm, dễ dùng, dễ mang và rất thích hợp cho việc chế tác tre nứa. Chủ nhân của chúng thường là cư dân săn bắt hái lượm hay làm vườn.
Jiao (2007 a: 3) nhận xét: cho đến nay, bằng chứng về nông nghiệp Đá Mới ở Phúc Kiến và Đông Bắc Quảng Đông là không rõ ràng ( thiếu bằng chứng trực tiếp của cây trồng). Mặc dù nhiều di chỉ có dấu tích của việc nuôi chó, lợn, có đồ gốm, đồ đá mài, công cụ xương và vỏ trai, nhưng phần lớn cư dân vùng ven biển vẫn sống dựa vào đánh bắt hải sản hơn là trồng trọt. Vì thế, các văn hóa Đá Mới ở vùng này có thể có chứ không nhất thiết có nghề nông.
Guo Li (2002) đã dành hẳn một nghiên cứu riêng để lí giải vì sao nghề trồng lúa ở vùng sông Châu-Hồng Kông lại có độ trễ lớn so với phương Bắc. Ông kết luận: cách đây 6000 năm, khi vùng đồng bằng sông Châu chỉ mới hình thành thì nông nghiệp đã xuất hiện ở phía Bắc trước đó 2000 năm. Do thiên nhiên hào phóng, cư dân thưa thớt, người ở đây sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm ở vùng ven biển, cửa sông. Họ là những người săn bắt hái lượm dư dả, có đủ hải sản để đổi lấy lương thực từ những cư dân trồng lúa ở Thạch Hiệp hay ở tận vùng hồ Động Đình. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên ở đây cũng không thực sự thuận lợi cho việc trồng lúa.
Mặc dù có những ý kiến khẳng định người Phùng Nguyên đã là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi kết hợp với săn bắt hái lượm (Hán Văn Khẩn 2009: 62), nhưng thực tế cho đến nay các nhà khảo cổ mới chỉ tìm thấy ở lớp dưới cùng ở di chỉ Đồng Đậu (được coi là lớp thuộc văn hóa Phùng Nguyên) các vỏ trấu có niên đại C14 sớm nhất là 1400 TCN và các hạt gạo cháy có niên đại khoảng 1000 TCN (Trịnh Sinh 1998:33). Ngoài ra, những chiếc rìu bôn cỡ lớn, cuốc, dao đá, liềm đá mà Hán Văn Khẩn (2009) coi là công cụ trồng lúa nước có lẽ cũng chỉ là công cụ làm vườn (trồng củ) hay dùng để hái lượm.
Trong khi đó, việc nhiều di chỉ Phùng Nguyên có “tầng văn hóa tương đối mỏng, trung bình chỉ khoảng 30-40cm” (Hoàng Xuân Chinh 2005:190); việc thiếu vắng dấu tích của nền nhà, tục chôn người chết ngay tại nơi cư trú… cho thấy người Phùng Nguyên, nhất là ở giai đoạn đầu vẫn thiên về lối sống săn bắn hái lượm di chuyển theo mùa vụ. Dạng bôn cỡ nhỏ Phùng Nguyên đã góp phần khẳng định điều đó.
Với bôn cỡ nhỏ, văn hóa Phùng Nguyên lại có thêm một điểm tương đồng quan trọng nữa với văn hóa Đàm Thạch Sơn.
3. Bôn đá ngọc
Theo Hoàng Xuân Chinh (2005:192) văn hóa Phùng Nguyên có nhiều bôn làm bằng đá ngọc nephrite không thấy ở các văn hóa cùng thời khác ở Việt Nam.
Tư liệu hiện có cho thấy dạng bôn đá ngọc giống bôn Phùng Nguyên không hề có ở Phúc Kiến-Quảng Đông mà chỉ có ở Đài Loan. Theo Hung (2004: 58, 62), tại Đài
Loan, bôn đá ngọc là dạng phổ biến nhất, xuất hiện tại hơn 30 di chỉ trung kỳ và hơn 70 di chỉ hậu kỳ Đá Mới (3500-500 TCN).
Dựa vào mô tả và một bản vẽ của Hung, chúng ta thấy hầu hết bôn đá ngọc Đài Loan đều có hình chữ nhật và cỡ nhỏ y như bôn Phùng Nguyên. Vậy phải chăng bôn đá ngọc Phùng Nguyên có gốc Đài Loan?
Đó là điều không thể bởi Hung và đồng nghiệp (2007) cũng cho biết các phân tích hóa học xác định phần lớn đồ làm bằng đá ngọc trong các văn hóa cổ ở ĐNA có niên đại trên dưới 2000-500 TCN đều có gốc Đài Loan ( 116/144 mẫu). Dù Bắc Việt Nam gần với Đài Loan hơn, nhưng đồ đá ngọc Phùng Nguyên lại không làm bằng đá ngọc Đài Loan. Nguồn gốc của đá ngọc Phùng Nguyên hiện vẫn là một điều bí ẩn.
Các chuyên gia địa chất cho rằng đá ngọc ở Việt Nam cũng có nhưng rất hiếm và thường nằm lẫn vào các dải đá vôi nằm rất sâu. Trần Quốc Vượng (1997:264) từng gợi ý người Phùng Nguyên có thể nhập đá ngọc từ Myanma qua đường Vân Nam. Nhưng giờ đây các học giả đành đoán rằng, người Phùng Nguyên đã khai thác đá ngọc ở một mỏ nào đó ở Bắc Việt Nam mà nay không còn dấu tích.
Có thể việc người Phùng Nguyên và người Đài Loan cùng làm bôn tứ giác cỡ nhỏ bằng đá ngọc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng cũng có thể, do bôn đá ngọc ở Đài Loan có niên đại sớm hơn, người Phùng Nguyên, với nguồn đá ngọc tại chỗ bằng cách nào đó đã biết và làm bôn đá ngọc theo kinh nghiệm Đài Loan.
Khả năng sau là cao hơn khi người Phùng Nguyên còn có một dạng bàn đập vỏ cây có gốc Đài Loan.
4. Bàn đập vải vỏ cây
Theo Hán Văn Khẩn (2005:81), bàn đập vỏ cây Phùng Nguyên chỉ có dạng hình chữ nhật, không cán, trên hai mặt rộng đối nhau có những rãnh nhỏ song song.
HX.Chinh-NN. Bích (1978: 148) nhận xét: bàn dập ở di chỉ Phùng Nguyên rất giống bàn dập ở hai di chỉ Cebu (Philippines) và Kamassi (đảo Sulavesi, Indonesia).
Cần nói thêm là lúc đầu các nhà khảo cổ học còn nghi ngờ các bàn đập Phùng Nguyên không phải là bàn đập vải vỏ cây mà là bàn mài hay là bàn dập cái gì đó, vì chúng “quá nhẹ và được làm bằng loại đá dễ vỡ”. Nhưng nhờ có tư liệu dân tộc học về cách làm và dùng một dạng bàn đập vải vỏ cây có hình dáng, kích thước, trọng lượng tương tự bàn đập Phùng Nguyên của người Toraja ở đảo Sulavesi, Indonesia, Hà Văn Tấn (1997: 596-598) đã có thể khẳng định: bàn dập Phùng Nguyên là bàn đập vỏ cây. Tuy nhiên, theo ông, nghề làm vải vỏ cây Phùng Nguyên có mối liên hệ chặt chẽ với
nghề làm vải vỏ cây phổ biến ở ĐNA và Thái Bình Dương chứ không bắt nguồn từ Nam Trung Quốc như học giả Đài Loan Lăng Thuần Thanh (1962) xác định.
Nhưng những phát hiện gần đây lại tỏ ra ủng hộ quan điểm của Lăng Thuần Thanh. Nữ học giả Australia J. Cameron (2008 a: 203), một chuyên gia về vải vỏ cây, cho biết: “ Bằng chứng khảo cổ sớm nhất về nghề chế tác vỏ cây là ở các di chỉ Đá Mới vùng đồng bằng sông Châu, Quảng Đông. 14 chiếc chày đập vải vỏ cây đã được tìm thấy ở các tầng nền của di chỉ Tiên Đầu Lĩnh (niên đại 5000-3700 TCN). Các vật tương tự cũng được phát hiện ở 10 di chỉ khác trong vùng. Các bàn đập vỏ cây ở Tiên Đầu Lĩnh không chỉ có niên đại sớm nhất mà còn tạo thành một bộ chày đập vỏ cây lớn nhất thời tiền sử được tìm thấy ở một di chỉ. Sự tập trung các bàn đập dạng nguyên thủy ở vùng đồng bằng sông Châu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguồn gốc của dạng công cụ này bởi vùng ven biển Nam Trung Quốc từ lâu đã được gắn với các cuộc thiên di sớm của cư dân Đá Mới tới vùng hải đảo ĐNA”.
Trước đó, Cameron (2006:74) cũng cho rằng, sự gần gũi về mặt địa lý cũng như sự tương đồng giữa các bàn đập vỏ cây ở Nam Trung Quốc và ĐNA chứng tỏ dạng công cụ này có nguồn gốc từ Nam Trung Quốc chứ không phải được phát minh riêng rẽ ở từng vùng.
Bà phân các bàn đạp vỏ cây thời Đá Mới ở Nam Trung Quốc và ĐNA thành 7 dạng: dạng I ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Campuchia; dạng II ở Đài Loan, Philippines và Indonesia; dạng III xuất hiện đầu tiên ở Tiên Đầu Lĩnh, sau đó ở Đài Loan, Philippines, Thái Lan; dạng IV ở vùng đồng bằng sông Châu-Hồng Kông, Hà Giang, Lạng Sơn, Tây Nguyên (Việt Nam), Sulavesi ( Indonesia) ; dạng V ở Hà Giang (Việt Nam), Đài Loan, Philippines, Polynesia; dạng VI xuất hiện đầu tiên ở văn hóa Phùng Nguyên và cũng thấy ở Đài Loan, Philippines ; dạng VII ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Đáng chú ý là nhận định của Cameron coi dạng VI xuất hiện đầu tiên trong văn hóa Phùng Nguyên. Đó cũng là quan điểm của Hán Văn Khẩn (2009:161): ”Hiện nay, Phùng Nguyên được coi là quê hương của dạng bàn đập vải vỏ cây không cán” (tức dạng VI).
Tuy nhiên, theo Tang Chung (1999), dạng bàn đập không cán (dạng VI) ở Đài Loan có niên đại tới 4000 TCN (dẫn theo Hán Văn Khẩn 2005b: 22), tức sớm hơn nhiều bàn đập cùng loại trong văn hóa Phùng Nguyên (1800-1500 TCN). Có lẽ, bàn đập vỏ cây cùng nghề làm vải vỏ cây từ Quảng Đông đã tới Đài Loan sớm hơn. Trên bản đồ của Bellwood (Chương 1), chúng ta thấy một nhánh lan tỏa từ vùng đồng bằng sông Châu Hồng Kông tới Đài Loan tạo ra văn hóa Đại Bồn Khanh có niên đại 4000-2500 TCN. Chính vì thế, Đài Loan cũng chính là nơi có nhiều dạng bàn đập vỏ cây nhất (5/7 dạng) và từ đó, một số dạng sau đã tới Bắc Việt Nam, Philippines và Indonesia.
5. Dọi xe sợi 2
Hầu hết dọi xe sợi Xóm Rền có hình tròn dẹt, màu đỏ, nâu xám, xám hoặc xám đen, không có hoa văn hoặc chỉ có hoa văn khắc vạch hay khắc vạch in chấm. Dọi xe sợi ở di chỉ Phùng Nguyên còn có thêm hình chóp nón, hình nón cụt, hình thoi (Hán Văn Khẩn 2009:122; Hoàng Xuân Chinh –Nguyễn Ngọc Bích 1978:101).
So sánh chúng ta thấy dọi xe sợi Phùng Nguyên có hình dáng, màu sắc và hoa văn tương tự dọi xe sợi Hà Mẫu Độ, Đàm Thạch Sơn và Dũng Lương (Hồng Kông).
Các hoa văn đều là những biến thể của mô típ mặt trời, trong đó hai mô típ trên dọi xe sợi Hà Mẫu Độ và Phùng Nguyên gần gũi với mô típ “mặt trời Đông Sơn”. Các mô típ mặt trời đó chính là biểu tượng cho người đàn bà-người Mẹ, theo truyền thống bao đời cũng luôn là người xe chỉ luồn kim, kéo tơ dệt vải.
Higham (1996:46, 84) cho biết: tại hai di chỉ Đại Văn Khẩu (Sơn Đông) và Hà Đãng (Quảng Đông), đồ tùy táng ở mộ nam thường là rìu bôn, ở mộ nữ thường là dọi xe sợi, một bằng chứng cho thấy dọi xe sợi gắn với phụ nữ.
Trong số các di vật “chưa rõ công dụng” ở Xóm Rền, có một vật mà Hán Văn Khẩn (2005:120) gọi là “di vật hình loa kèn”. Theo tôi, đó cũng là một dọi xe sợi bởi nó rất giống với một dạng dọi xe sợi Hà Mẫu Độ.
Higham-Thosarat ( 1998:57) đưa ảnh một ngôi mộ ở di chỉ Khok Phanom Di ( Thái Lan) của một phụ nữ được gọi là “Nữ chúa” bởi có đồ tùy táng giàu có, trong đó có tới hơn 120. 000 hạt chuỗi vỏ ốc. Bên cạnh ống chân của “Nữ chúa” là một vật mà hai tác giả cho là đe của thợ gốm, ở Khok Phanom Di cũng thường là đồ tùy táng ở mộ nữ, đối ứng với dùi đá ở mộ nam. Nhưng theo tôi, xét cả hình dáng lẫn sự gắn bó với người phụ nữ, đó cũng là một chiếc dọi xe sợi.
Theo Cameron (2011: 30, 37) sự tương đồng giữa dọi xe sợi Phùng Nguyên và dọi xe sợi Đàm Thạch Sơn là bằng chứng khẳng định di dân thuộc văn hóa Đàm Thạch Sơn từ Phúc Kiến đã mang nghề dệt tới vùng đồng bằng sông Hồng. Bà còn coi đó là bằng chứng, ở mức độ nhất định, ủng hộ giả thuyết của Madrolle về các cuộc thiên di của người từ Phúc Kiến tới Việt Nam một ngàn năm sau đó.
Thật lạ, chỉ từ bằng chứng là những chiếc dọi xe sợi, Cameron đã khẳng định người Phùng Nguyên có gốc từ di dân Đàm Thạch Sơn và điều đó có liên hệ lịch sử với di dân Phúc Kiến thời Đông Sơn theo một giả thuyết của Madrolle (Chương 10). Như chúng ta sẽ thấy, điều khẳng định đó của Cameron tưởng vội vàng nhưng lại chính xác.
6. Sự vắng mặt của đỉnh.
Trong văn hóa Phùng Nguyên, chúng ta chỉ thấy có dạng đồ gốm đáy tròn, không có dạng đồ gốm ba chân, tức đỉnh3.
Theo Luo (1999:86): đỉnh cùng với đậu (bát bồng) xuất hiện trước hết trong các văn hóa Đại Văn Khẩu và Hà Mẫu Độ, sau lan tỏa tới các văn hóa Đại Khê, Khuất Gia Lĩnh ở Hồ Bắc, Hồ Nam.
Những chiếc đỉnh đầu tiên có lẽ đã ra đời từ nhu cầu hâm nóng thức ăn trên than củi, mới đầu bằng cách chụm ba đồ gốm đáy nhọn vào nhau, rồi sau bằng chiếc đỉnh ba chân.
Đỉnh thích hợp cho việc hâm nóng thức ăn, còn nồi đáy tròn đặt trên chạc gốm thích hợp hơn cho việc đun nấu. Vì thế, thời Đá Mới, nhiều văn hóa vừa có đỉnh, vừa có nồi tròn, nhưng cũng có nhiều văn hóa không hề có đỉnh.
Theo Lapteff (2006: 259): hai văn hóa Xác Khâu Đầu và Đàm Thạch Sơn ở Phúc Kiến hầu như không có đỉnh.
Bellwood (1996:215) cho biết: đồ gốm Viên Sơn (2500-1000 TCN) ở Bắc Đài Loan cũng như đồ gốm cổ nhất ở Philippines và Indonesia đều không có đỉnh.
Qiao Xiao Qin (1996:220) cũng cho hay: các di chỉ hậu kỳ Đá Mới ( 2500-1500 TCN) ở vùng ven biển Quảng Đông chủ yếu có đồ gốm đáy tròn, chân đế vòng và không có đỉnh. Gou Li (2003:35) cho biết thêm: do văn hóa Thạch Hiệp ở Bắc Quảng Đông có nhiều đỉnh, nên vào đầu hậu kỳ Đá Mới, di chỉ Ngân Châu (2200 TCN) ở vùng đồng bằng sông Châu cũng có những di vật giống chân của dạng đỉnh Thạch Hiệp.
Tại Thái Lan, văn hóa Khok Phanom Di cùng thời và có nhiều nét tương đồng với văn hóa Phùng Nguyên cũng không có đỉnh. Riêng văn hóa Bản Kao và 20 di chỉ khác ở Nam Thái Lan và Malaysia có niên đại trong khoảng 1800-1600 TCN có dạng đỉnh chân nhọn, cao với lỗ thông khói.
Leong Sau Heng (2003: 182), Bulbeck (2004:209) đều thấy đỉnh Bản Kao có chân rỗng, khoan lỗ giống đỉnh Thạch Hiệp.
Mối liên hệ Thạch Hiệp-Bản Kao trở nên rõ hơn khi di chỉ Thạch Hiệp có dạng nhà nền tròn (Peregrine 2003:327) tương tự dạng nhà Bản Kao ( Sorensen: 1972: 468)
Woodward (2005:8) cho rằng, sự phát triển của văn hóa Bản Kao phần nào chịu sự tác động của các di dân nói tiếng Nam Đảo, bằng chứng là những tương đồng về đỉnh, gốm mặt bóng, bàn đập vỏ cây, tục nhổ răng giữa Bản Kao với các văn hóa Đá Mới ở Nam Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Như vậy, sự vắng mặt của đỉnh trong văn hóa Phùng Nguyên tiếp tục khẳng định mối liên hệ cội nguồn giữa hai văn hóa Phùng Nguyên và Khok Phanom Di với các văn hóa Đá Mới ở Phúc Kiến- Quảng Đông. Mặt khác, sự có mặt của đỉnh Thạch Hiệp trong văn hóa Bản Kao cho thấy người Bản Kao cũng đến từ Phúc Kiến-Quảng Đông nhưng muộn hơn người Phùng Nguyên và Khok Phanom Di.
Việc Woodward gắn văn hóa Bản Kao cùng thời và có nhiều nét tương đồng với hai văn hóa Phùng Nguyên và Khok Phanom Di với di dân Nam Đảo càng khẳng định mối liên hệ cội nguồn giữa văn hóa Phùng Nguyên, Khok Phanom Di với các văn hóa vùng ven biển Phúc Kiến-Đài Loan thường được coi là của di dân Nam Đảo.
7. Chạc gốm 4
Tại Trung Quốc, chạc gốm xuất hiện trong một loạt các văn hóa Đá Mới có niên đại 5000-3000 TCN ở Sơn Đông, Chiết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Đài Loan. Những chạc gốm lớn không hay có ít hoa văn, có vết khói hoặc vết nung là vật kê nồi, còn các chạc gốm nhỏ, có hoa văn đẹp hoặc hình động vật là vật có liên quan đến tín ngưỡng nguyên thủy (Hoàng Xuân Chinh 1994).
Thật vậy, chiếc chạc gốm Hà Mẫu Độ cỡ lớn có hình đầu chim, thân có hình mặt người chắc chắn có liên quan đến tục thờ vật tổ chim của người Hà Mẫu Độ. Nó cũng gợi nhớ đến tên gọi “ông đầu rau” và hình ảnh Ông Táo-Thần Bếp đến 23 Tết bay về trời trong tín ngưỡng Việt. Ông Táo hóa ra có gốc là người đàn bà-người giữ lửa Thần Bếp- Thần Chim-Mặt trời.
Một khi không có đỉnh, văn hóa Phùng Nguyên phải có nhiều chạc gốm. Hán Văn Khẩn (2005 a) cho biết: đa số chạc gốm Phùng Nguyên có văn thừng, ít văn khắc vạch, không có hình động vật như chạc gốm ở Trung Quốc.
Dù vậy, một chạc gốm Phùng Nguyên trông hao hao dạng chạc gốm hình người- chim Hà Mẫu Độ. Một dạng khác (hình lưng eo phụ nữ) lại gần gũi về cả hình dáng và hoa văn với một dạng chạc gốm Tiên Đầu Lĩnh, theo Chen Xin Cang (1996: 210) cũng chỉ có văn khắc vạch và văn thừng.
Cùng với dọi xe sợi, chạc gốm thể hiện mối liên hệ cội nguồn sâu sa giữa văn hóa Phùng Nguyên với văn hóa Hà Mẫu Độ. Tôi không có tư liệu về chạc gốm Đàm Thạch Sơn, nhưng có vẻ, chạc gốm Phùng Nguyên có nguyên mẫu Quảng Đông.
8. Thố
Hán Văn Khẩn (2009) coi thố là “dạng đồ gốm đẹp nhất, tiêu biểu nhất và độc đáo nhất của văn hóa Phùng Nguyên”, trong đó, di chỉ Xóm Rền có “nhiều thố nhất, với nhiều dạng nhất và với hoa văn đẹp nhất”.
Đúng là thố Phùng Nguyên “đẹp nhất”, nhưng không phải là “độc đáo nhất”. Nhìn rộng ra, có thể thấy ngay thố Phùng Nguyên là họ hàng gần xa với thố Khok Phanom Di, Tiên Đầu Lĩnh, Khuất Gia Lĩnh, Jomon và Đại Văn Khẩu.
Nêu ra những tương đồng về cả hình dáng và hoa văn giữa thố Jomon- Phùng Nguyên – Khok Phanom Di, Lapteff (2006:261) coi đó là một trong những tương đồng văn hóa phản ánh những mối liên hệ thời tiền sử giữa Phúc Kiến- – Việt Nam- Thái Lan và Nhật Bản. Ông nhấn mạnh phần lớn các tương đồng đều có ở Phúc Kiến, vì thế Phúc Kiến là con đường chính cho những mối liên hệ trên.
9. Bát bồng 5
Hán Văn Khẩn (2005:103) coi bát bồng cũng là một trong những sản phẩm “độc đáo nhất, đẹp nhất và tiêu biểu nhất của đồ gốm Phùng Nguyên”. 6
Nhưng thực ra, bát bồng Phùng Nguyên cũng là con cháu của một dạng đồ gốm được gọi là “đậu” có trong văn hóa Đại Văn Khẩu, Hà Mẫu Độ.
Thường được làm bằng gốm mịn và có hoa văn, bát bồng là dạng đồ gốm quí thường dùng trong cúng lễ và làm đồ tùy táng . Có thời kỳ 50-70% số mộ Đại Văn Khẩu có bát bồng. Một ngôi mộ ở Đàm Thạch Sơn có hơn nửa đồ gốm tùy táng (12/21) là bát bồng (Jiao 2007:115).
Tuy nhiên, bát bồng Đàm Thạch Sơn miệng loe, khác bát bồng Phùng Nguyên miệng khum. Một chiếc bát bồng Gò Bông có miệng rộng, chân thấp, không hoa văn, rất gần gũi với một chiếc bát bồng ở di chỉ Lo So Shing, Hồng Kông. Một bát bồng Xóm Rền có chân cao hơn và có hoa văn ở chân đế tương tự một bát bồng Tiên Đầu Lĩnh.
Có vẻ, bát bồng Phùng Nguyên có gốc Quảng Đông.
10. Bình, nồi, bát
Cũng như thố, bát bồng, một số dạng đồ gốm khác ở Xóm Rền như bình, nồi, bát cũng khá gần gũi với bình, nồi, bát Tiên Đầu Lĩnh.
Xem ra, người Phùng Nguyên đã tiếp thu nhiều dạng đồ gốm từ Quảng Đông.
11. Đất trắng miết mặt gốm
Hán Văn Khẩn (2005: 135) xác định : một đặc trưng của gốm Phùng Nguyên ở giai đoạn Gò Bông là có một số bát bồng, thố, bình được làm bằng đất sét mịn, màu đỏ hay nâu đỏ, trên rãnh hoa văn khắc vạch-in chấm có miết một lớp bột trắng bám chắc vào xương gốm. 7
Meacham (2009:101) cho biết: một số đồ gốm ở Hồng Kông vào giữa và cuối thời Đá Mới (3600-2400 TCN) là gốm mịn, màu nâu đỏ, phần lớn da trơn, một số có văn thừng, xương gốm thường có bột trắng như phấn. 8 Dạng đồ gốm này không dùng để đun nấu mà chủ yếu dùng để đựng, thường là dạng bát bồng.
Theo Pei An Ping (1990), gốm Bành Đầu Sơn (5000-3000 TCN) ở vùng hồ Động Đình đã có một lớp đất sét mỏng 1 mm miết trên xương gốm màu đỏ có văn in thừng 9.
Rispoli (2007:266, 276) xác định đó là cao lanh trắng và kỹ thuật này đã từ vùng hồ Động Đình Hồ Nam lan tỏa xuống vùng đồng bằng sông Châu, được thể hiện trên đồ gốm Đại Loan, Đông Loan Tử ở Hồng Kông.
Một tấm ảnh của Bellwood (2005:138) cho thấy một loạt mảnh gốm có hoa văn in răng, trừ mảnh ở Tiên Đầu Lĩnh, Quảng Đông có niên đại sớm hơn 3000 TCN không miết bột trắng, còn tất cả các mảnh khác ở Đài Loan, Philippines và vùng Thái Bình Dương có niên đại muộn (1500- 1000 TCN) đều có hoa văn miết vôi hoặc đất sét trắng.
Những bức ảnh của Higham-Thosarat cũng cho thấy gốm Non Nok Tha (2000- 1500 TCN) và Ban Chiang (2000-500 TCN) có miết bột trắng.
Như vậy, những tư liệu hiện có khẳng định kỹ thuật miết đất sét lên hoa văn gốm có gốc từ văn hóa Bằng Đầu Sơn, lan tỏa tới vùng đồng bằng sông Châu-Hồng Kông và từ đó cùng các dạng đồ gốm như thố, bát bồng tới Việt Nam và Thái Lan.
12. Gốm đen miết láng
Hán Văn Khẩn (2009: 150) mô tả: gốm Gò Bông còn được miết bóng thật kỹ và “bôi nhuộm “ bằng nhựa thực vật làm cho gốm đen bóng như sừng. Có những dải miết láng đen bóng chạy len lỏi theo các dải hoa văn. Mặt gốm có thể đã được miết láng bằng đá cuội hay rìu bôn nhưng không rõ loại cây cỏ nào đã được đốt lấy nhựa hoặc (ngâm lấy) nước để bôi, quét, nhuộm đen gốm.
Theo Phạm Thị Ninh (2000:135): các di chỉ Đền Đồi (Nghệ An), Bàu Tró ( Quảng Bình) cũng có dạng bát bồng gốm mịn miết láng, tô đen ánh chì theo từng dải kết hợp với hoa văn khắc vạch. Bà đoán đất làm gốm có pha bột than, sau khi phôi gốm khô, được đánh bóng và đem nung.
Theo Higham-Thosarat (1998:47): mặt ngoài một số loại đồ gốm ở Khok Phanom Di, Nong Nor đã được đánh bóng, miết láng bằng cuội trước khi nung, có mặt sáng bóng sau khi nung.
Các bức ảnh cho thấy một chiếc vò Khok Phanom Di có những dải đen bóng như sừng xen giữa hoa văn khắc vạch giống gốm Gò Bông và một chiếc bình Bản Chiềng có toàn thân màu đen ánh chì, trên có hoa văn khắc vạch y như gốm Bàu Tró.
Dạng gốm mặt đen bóng xuất hiện đầu tiên trong văn hóa Hà Mẫu Độ và được làm bằng đất sét trộn với bột than củi. Gốm xốp và dày, mặt gốm được đánh bóng và
trang trí bằng văn thừng và văn khắc vạch. Đánh bóng và tạo hoa văn khắc vạch trên đồ gốm là một kỹ thuật đặc trưng của các văn hóa Đá Mới vùng ven biển phía Đông trong khi vẽ màu trên gốm là kỹ thuật đặc trưng của đồ gốm vùng nội địa.
Dạng gốm mặt đen bóng, thành mỏng cũng là sản phẩm nổi tiếng của văn hóa Lương Chử. Gốm có các lớp áo đen sau đánh bóng bằng da động vật rồi nung bằng kỹ thuật làm giảm nhiệt độ.
Kỹ thuật làm gốm màu đen lên tới đỉnh cao trong văn hóa Long Sơn-Sơn Đông, còn được gọi là “Văn hóa Gốm Đen”. Gốm được làm bằng loại đất sét nghèo sắt, không tạo hoa văn, sau đó đánh bóng mặt bằng da, đem nung, dội nước lên và hun khói. Khói thâm nhập sâu vào mặt gốm nóng xốp làm cho mặt gốm đen bóng. 10 Thành gốm mỏng hơn 1mm như “vỏ trứng”.
Dạng gốm mặt đen bóng cũng được tìm thấy ở các di chỉ Đàm Thạch Sơn, Thạch Hiệp, Đại Loan- Hồng Kông và Doanh Phố-Đài Loan (Trình Năng Chung 2009:208; Finn 1936; Chang 1996).
Rõ ràng, gốm đen miết láng Gò Bông là họ hàng gần với gốm đen miết láng Phúc Kiến-Quảng Đông – Đài Loan-Thái Lan, con cháu xa của gốm đen Hà Mẫu Độ.
Hán Văn Khẩn lại đưa ảnh một chiếc bình gốm “có hoa văn kiểu Phùng Nguyên” nằm ở Bảo tàng Thanh Hóa nhưng không rõ xuất xứ. Dễ thấy, chiếc bình có dáng bình Phùng Nguyên và khác các dạng bình cùng thời ở Thái Lan, mặt khác, lại có mặt đen bóng và hoa văn miết bột trắng giống gốm Non Nok Tha. Do được sưu tầm ở Thanh Hóa, có lẽ đó là gốm Bàu Tró.
13. Hoa văn in khắc chữ S
Hán Văn Khẩn (2005:121) xác định có 3 dạng hoa văn chỉ phổ biến trên gốm Gò Bông ( giai đoạn Phùng Nguyên sớm) là: 1- Hoa văn khắc vạch trên nền văn thừng, văn chải; 2-Hoa văn khắc vạch chữ S, bên trong có các vạch ngắn và nông; 3- Hoa văn khắc vạch kết hợp in chấm- in lăn, miết láng với nhiều mô típ.
Theo ông, hoa văn in chấm-in lăn Gò Bông là loại hoa văn phong phú, phức tạp và đẹp nhất trên gốm Phùng Nguyên.
Từ các tấm ảnh của Rispoli (2007) chúng ta thấy hoa văn gốm Gò Bông đồng điệu với hoa văn gốm Đá Mới ở miền Trung Thái Lan.
Tiếp đó, chúng ta lại thấy hoa văn chữ S trên gốm Phùng Nguyên nói chung gần gũi hoa văn chữ S trên đồ gốm Đại Văn Khẩu, Hà Mẫu Độ, Lương Chử.
Đặc biệt, tại di chỉ Khê Đầu, Đài Loan, vùng lan tỏa của văn hóa Đàm Thạch Sơn có loại gốm chắc được trang trí bằng các dạng hoa văn ô vuông, uốn khúc (văn giun), vạch chéo song song, gân lá, vòng tròn nhỏ, chữ S, chữ V, đường xoáy ốc. 11
Có thể thấy, các dạng hoa văn trên cũng có mặt trên gốm Phùng Nguyên.
Theo Rispoli ( 2007:292), nhìn chung, hoa văn gốm Đá Mới Việt Nam-Thái Lan có liên hệ cội nguồn với hoa văn gốm Đá Mới vùng ven biển Phúc Kiến-Quảng Đông.
Chính mối liên hệ cội nguồn đó cho phép lí giải sự “giống hệt” nhau giữa một số mảnh gốm Gò Bông với những mảnh “gốm rùa” ở Bắc Borneo, Malaysia cũng như sự gần gũi giữa hoa văn khắc vạch-chấm dải trên gốm Phùng Nguyên, Thường Xuân (Thanh Hóa), Quì Châu (Nghệ Tĩnh) với hoa văn khắc vạch chấm dải trên gốm Lapita ở đảo Fiji và New Caledoni ở Thái Bình Dương (Hà Văn Tấn 1997:461,536). Bởi vùng Phúc Kiến-Đông Bắc Quảng Đông cũng được coi là vùng của di dân Tiền Nam Đảo.
Mặt khác, cũng theo Rispoli, dạng hoa văn khuông nhạc trên đồ gốm tại một số di chỉ ở Đông Quảng Đông và Quảng Tây là gốc cho dạng hoa văn khuông nhạc trong văn hóa Gò Mả Đống, Hoa Lộc xấp xỉ đồng thời với văn hóa Phùng Nguyên và trong văn hóa Đồng Đậu có sau văn hóa Phùng Nguyên. Điều đó khẳng định sự ảnh hưởng của đồ gốm Quảng Đông tới đồ gốm Phùng Nguyên và Bắc Việt Nam nói chung.
14. Nha chương
Nha chương chính là di vật quan trọng và kỳ bí nhất của văn hóa Phùng Nguyên. Cho đến năm 2009, 8 nha chương đã được phát hiện nhưng chỉ ở hai di chỉ: Xóm Rền (5 chiếc) và Phùng Nguyên (3 chiếc). Đặc biệt, một ngôi mộ ở Xóm Rền có 2 chiếc, một chiếc dài 63 cm, được chôn cùng với vòng mặt cắt hình chữ T, hạt chuỗi, đồ gốm và rìu bôn đá ( Hán Văn Khẩn 2009:80-82).
Tại Trung Quốc, nha chương được phát hiện trong nhiều nền văn hóa. Về nguồn gốc và chức năng của nha chương nói chung, mời độc giả xem Phụ lục 4 A. Tại đây, tôi sẽ tập trung vào vấn đề nguồn gốc và ý nghĩa của nha chương Phùng Nguyên.
- Nguồn gốc
Hà Văn Tấn (1993/1997:569-90) so sánh 4 chiếc nha chương ở Xóm Rền và Phùng Nguyên với các nha chương Trung Quốc và nhận xét: “Sự giống nhau đến chi tiết giữa nha chương Việt Nam và nha chương Trung Quốc là biểu hiện sự ảnh hưởng của văn hóa Thương ở Việt Nam…Nha chương ở Việt Nam có niên đại tương đương với văn hóa Thương ở Trung Quốc, thậm chí với giai đoạn sớm của văn hóa này… Ảnh hưởng của văn hóa Thương đến văn hóa Phùng Nguyên có thể đã theo con đường phía Tây, qua Tứ Xuyên, Vân Nam. Tuy nhiên cũng chưa đủ chứng cứ để loại trừ con đường phía Đông, qua Quảng Đông và Quảng Tây”.
Trong một bài viết năm 2000, Hà Văn Tấn vẫn viết: “nha chương bắt đầu xuất hiện trong văn hóa Long Sơn và phát triển trong văn hóa Ân Thương. Việc phát hiện các nha chương trong văn hóa Phùng Nguyên đã đánh dấu rõ ràng mối liên hệ với văn hóa Ân Thương.”
Higham (1996a:87) cũng có cùng quan điểm: ”Nha chương Phùng Nguyên tương tự nha chương được tìm thấy ở vùng đồng bằng Châu giang, Tam Tinh Đôi, Nhị Lý Đầu, tại các di chỉ Thương muộn và chắc chắn đã được đưa từ vùng Hoàng Hà tới ”.
10 năm sau, Higham (2006:14) vẫn giữ quan điểm cũ, dù viết bóng bẩy hơn: “Người ta phải hỏi lông chim trĩ, ngọc trai, không kể mai rùa, vỏ ốc, từ đâu đến An Dương ? Ngược lại, nha chương bằng cách nào đã đến nằm trong các ngôi mộ Đá Mới ở Bắc Việt Nam? Chỉ có một câu trả lời: thông qua sự giao thương và trao đổi các ý tưởng…”
Cần lưu ý ở đây là, cả Hà Văn Tấn và Higham đều coi văn hóa Nhị Lý Đầu là văn hóa sớm của nhà Thương, trong khi các học giả Trung Quốc coi đó là văn hóa của nhà Hạ.
Về hai chiếc nha chương Xóm Rền, học giả Hồng Kông Tang Chung (Đặng Thông) nhận xét : “ Việc nha chương Phùng Nguyên, cái rõ ràng mang phong cách của nha chương Nhị Lý Đầu, cái giống hệt nha chương Tam Tinh Đồi cho thấy quá trình lan tỏa của nha chương tới Việt Nam khá phức tạp”. 12
Năm 2002, cùng với các nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật 2 ngôi mộ ở Xóm Rền, Tang Chung lại thấy một chiếc nha chương nhỏ ” giống một dạng nha chương chỉ có ở Tam Tinh Đôi”. Ông coi đó là một bằng chứng cho “mối quan hệ đặc biệt giữa văn hóa Tam Tinh Đồi của nước Thục cổ và văn hóa Phùng Nguyên”. 13
Tang Chung không nói rõ đó là dạng nha chương nào, nhưng có lẽ, đó là dạng dạng nha chương lưỡi lõm, cán có hai lỗ, đúng là hiện chỉ thấy ở văn hóa Tam Tinh Đôi và Phùng Nguyên.
Trong khi Higham và Tang Chung đều cho rằng nha chương Phùng Nguyên được đưa từ phương Bắc tới thì ít nhất, có 2 học giả Việt Nam không nghĩ vậy.
Hà Văn Tấn (1997: 569) nhận xét ” hai nha chương Xóm Rền được làm cùng bằng một loại đá giống một loại đá mà cư dân Phùng Nguyên thường dùng làm rìu”. Ông không nói rõ nhưng ngụ ý người Phùng Nguyên đã chế tác nha chương.
Hán Văn Khẩn (2009: 161) thì quả quyết: „Về mặt chất liệu, số lượng, mức độ tinh xảo, nha chương Phùng Nguyên thua kém nhiều so với nha chương Trung Quốc. Do đó, khó có cơ sở xác đáng để cho rằng nha chương Phùng Nguyên có nguồn gốc trực tiếp từ Trung Quốc. Trong quá trình tiếp xúc giao lưu với những cư dân có nha chương ở Nam Trung Quốc, người Phùng Nguyên đã học hỏi và tự tạo nha chương theo kiểu dáng nha chương Trung Quốc”.
Nhưng ít nhất, lại cũng có hai nhà khảo cổ học Việt Nam không chia sẻ quan điểm với các đồng nghiệp của mình.
Người thứ nhất là Phạm Minh Huyền (1995:30) với ý kiến: nha chương Phùng Nguyên cùng với qua Lũng Hòa đã “được du nhập vào văn hóa Phùng Nguyên một cách có chọn lọc”.
Người thứ hai là Nguyễn Việt (2010: 155) với lời lẽ còn cầu kỳ bóng bẩy hơn cả lời lẽ của Higham: “Hình ảnh xa hoa lộng lẫy của những chiếc nha chương khiến tôi liên tưởng đến những cuộc thăm viếng của những người khách sang trọng từ một vùng rất xa đến nơi đây hoặc một cuộc viếng thăm của chủ nhân Xóm Rền đến những nơi rất xa đó để có thể đưa về những chiếc nha chương đẹp và lạ kỳ đó”.
Theo tôi, về lý thuyết, người Phùng Nguyên hoàn toàn có thể tự làm nha chương nhưng vấn đề là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có những bằng chứng của việc chế tác nha chương tại chỗ ( như bán thành phẩm hay phế phẩm của nha chương) trong văn hóa Phùng Nguyên.
Dù thế nào thì nguyên mẫu của những chiếc nha chương Phùng Nguyên cũng đến từ phương Bắc. Vậy chúng đến từ đâu, khi nào và bằng cách nào?
Như đã nêu, Higham và Tang Chung cho rằng nha chương Phùng Nguyên có nguồn gốc trực tiếp hay gián tiếp từ hai văn hóa Nhị Lý Đầu và Tam Tinh Đôi.
Nhưng các nghiên cứu mới nhất cho thấy nhà Hạ không chế tác nha chương, còn nhà Thương, tuy có chế tác nha chương, nhưng nha chương Thương phần lớn bằng đá và làm minh khí chứ không phải bằng ngọc làm lễ khí. Tóm lại, nha chương không phải là một biểu tượng cho quyền lực chính trị, tín ngưỡng của nhà Hạ như suy đoán của Child-Johnson, cũng chẳng là một thứ hàng hóa cao cấp của nhà Thương dùng để trao đổi với các vùng phía Nam như Higham từng xác định.
Bagley (1989:79) cũng cảm thấy ngạc nhiên vì có rất ít nha chương được tìm thấy ở các kinh đô của nhà Hạ và Thương, chỉ có 4 chiếc ở Nhị Lý Đầu, 1 chiếc ở Trịnh Châu và không hề có một chiếc nào nằm trong số 755 đồ ngọc tìm thấy trong mộ Phụ Hảo-vợ vua Thương Vũ Đinh ở An Dương. Còn Meacham, khi dẫn ý kiến của Tang Chung coi chiếc nha chương ở Đại Loan, Hồng Kông thể hiện sự lan tỏa của văn hóa Thương,14 đã bình luận: “Rất có thể, nó chỉ thể hiện sự lan tỏa của nha chương có từ trước thời Thương, thậm chí không phải từ đất Thương”.
Giờ đây, những tư liệu mới đã khẳng định: cả nha chương Nhị Lý Đầu và nha chương Thương đều có nguồn gốc Tam Tinh Đôi, nơi cho đến nay đã phát hiện được nhiều nha chương nhất, với loại hình phong phú nhất, với chiếc nha chương lớn và đẹp nhất và có những bằng chứng về việc dùng nha chương cụ thể nhất ( Phụ lục 4A).
Là một nước lớn mạnh với nền văn hóa Đồng Thau rực rỡ, Tam Tinh Đôi xứng đáng là một trung tâm chế tác và phổ biến nha chương thời Hạ-Thương.
Childs-Johnson (1995:83) cho biết: vào đầu những năm 1930, tại di chỉ Thái Bình Dương, một di chỉ sớm của văn hóa Tam Tinh Đôi, các nhà khảo cổ đã phát hiện tại một hố cúng tế 2 chiếc nha chương cùng với 3 ống Tông, hơn 20 đĩa Bích, 15 hạt chuỗi, nhiều vòng có mặt cắt hình chữ T cùng các phiến ngọc xanh và rìu Việt.
Có thể thấy hai chiếc nha chương ở Thái Bình Dương (dài 39,4cm và 36,5 cm) có dáng khá giống với chiếc nha chương Xóm Rền (dài 32,1cm) phát hiện năm 2006. Đặc biệt, bộ lễ khí ở di chỉ Thái Bình Dương khá tương đồng với bộ lễ khí Phùng Nguyên, bao gồm nha chương- hạt chuỗi-đĩa Bích và vòng mặt cắt chữ T.
Phạm Minh Huyền (1995:24) cho biết: hai chiếc nha chương phát hiện năm 1985 ở Phùng Nguyên đều được chôn trong hố đất đen (hố cúng tế), một chiếc nằm cùng với đĩa Bích. Còn Hán Văn Khẩn ( 2009: 41) cho hay: hai chiếc nha chương Xóm Rền phát hiện năm 2006 được chôn ở một ngôi mộ cùng với 4 vòng mặt cắt chữ T, 20 mảnh vòng dẹt, trên 120 hạt chuỗi và 1 rìu đá nhỏ.
Mặt khác, chúng ta có cơ sở để khẳng định nha chương Phùng Nguyên có nguồn gốc Tam Tinh Đôi, đó là:
– Nha chương ở di chỉ Thái Bình Dương có niên đại khoảng 2100-1800 TCN. Nha chương tại hai di chỉ Tam Tinh Đôi và Kim Sa, dù được chôn muộn, nhưng có hình dáng gần gũi nhất với nha chương giai đoạn III và IV của văn hóa Nhị Lý Đầu
(Fankenhousen 2003:203), tức khoảng 1700-1600 TCN. Như vậy, nha chương Tam Tinh Đôi đều có niên đại sớm hơn hoặc xấp xỉ với niên đại của nha chương Phùng Nguyên. Niên đại của hai di chỉ Phùng Nguyên và Xóm Rền là khoảng giữa thế kỷ 17- 14 TCN (Hà Văn Tấn 1997: 579, Hán Văn Khẩn 2009:158-9).
-Văn hóa Tam Tinh Đôi có tất cả các dạng nha chương thấy trong văn hóa Phùng Nguyên, cụ thể các dạng đầu cong lõm, đầu cong lồi, lưỡi vát, lưỡi hình đuôi cá riêng dạng chuôi có hai lỗ, cho đến nay chỉ thấy ở Tam Tinh Đôi và Phùng Nguyên.
Vậy nha chương Tam Tinh Đôi đã đến Phùng Nguyên bằng cách nào và theo con đường nào?
Li Liu (2004:121), khi bàn về sự lan tỏa của nha chương đã cho rằng nha chương cùng với ống Tông, đĩa Bích là 3 dạng đồ ngọc được dùng trong các nghi lễ tôn giáo do các thủ lĩnh kiêm pháp sư shaman 15 tiến hành. Việc xuất hiện 3 thứ đồ ngọc trên ở nhiều vùng vào cuối thời Đá Mới- đầu Đồng Thau thể hiện sự tương tác giữa các thủ lĩnh kiêm pháp sư đó.
Chế độ thủ lĩnh kiêm pháp sư phổ biến ở nhiều nơi từ thời Đá Mới. Thủ lĩnh- pháp sư là người có nhiều khả năng đặc biệt được cộng đồng công nhận, từ đó nắm cả chính quyền, quân quyền, và thần quyền của một cộng đồng. Việc trao đổi các vật quí hiếm giữa các thủ lĩnh-pháp sư góp phần tạo ra hay củng cố quan hệ liên minh giữa các cộng đồng khác nhau, đặc biệt giữa các cộng đồng lớn với các cộng đồng nhỏ. Mặt khác, thủ lĩnh các cộng đồng nhỏ cũng muốn có được các vật quí hiếm từ các cộng đồng lớn để khẳng định vị thế đặc biệt của mình.
Có lẽ, vai trò và cách thức lan tỏa của nha chương cũng tương tự vai trò và cách thức lan tỏa của trống đồng Đông Sơn sau này.
Chúng ta biết văn hóa Tam Tinh Đôi của nước Thục đã phát triển từ thế kỷ 17 TCN. Vua Thục cũng là một pháp sư bằng chứng là pho tượng đồng kỳ vĩ (Phụ lục 5E).
Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu nha chương Phùng Nguyên có phải là tặng vật của vua Thục cho các thủ lĩnh-pháp sư Phùng Nguyên để tạo ra hay củng cố một liên minh nào đó hay chỉ là vật quí lạ mà thủ lĩnh-pháp sư Phùng Nguyên, bằng cách nào đó đã có được để khẳng định vị thế đặc biệt của mình?
Xét khoảng cách địa lý và vị thế lịch sử giữa Tứ Xuyên và Việt Nam thời Phùng Nguyên, theo tôi, khả năng thứ nhất là rất khó.
Nếu vậy, chỉ có khả năng thủ lĩnh-pháp sư Phùng Nguyên đã có được nha chương qua những mối liên hệ nào đó với thủ lĩnh Tam Tinh Đôi.
Về vấn đề này, nhà khảo cổ học Tứ Xuyên Zhao Diancheng đã có một giả thuyết khá lạ, theo đó, nước Thục, với văn hóa Tam Tinh Đôi phát triển rực rỡ, đã trở thành một thánh địa kiểu Mecca của đạo Hồi, nơi hành hương của các tín đồ từ các vùng xung quanh, từ vùng Trung nguyên, cao nguyên Vân-Quí, Thái Lan và Việt Nam. 16
Có thể thấy, giả thuyết này gần gũi với giả thuyết của Nguyễn Việt về những cuộc thăm viếng của người Xóm Rền đến một nơi rất xa và mang nha chương về. Tuy nhiên, theo tôi, cả hai giả thuyết trên nghe rất hay nhưng ít có cơ sở bởi:
-Tín ngưỡng gắn với các pháp sư thời Đá Mới là tín ngưỡng đa thần khác với tín ngưỡng độc thần của Hồi giáo đòi hỏi có Thánh địa và các cuộc hành hương.
-Với khoảng cách quá xa xôi cách trở giữa Tứ Xuyên và Việt Nam (hơn 3000 km), những cuộc “hành hương” hay “thăm viếng” như vậy thời Đá Mới là không thể.
-Tư liệu hiện có cho thấy nha chương Tam Tinh Đôi chưa hề được phát hiện ở cao nguyên Vân-Quí và Thái Lan.
Như đã nêu, một số học giả đã tính tới khả năng con đường nha chương từ phía Bắc qua Quảng Đông hay Quảng Tây tới Việt Nam. Với mối liên hệ Phúc Kiến-Quảng Đông –Việt Nam đã nêu, khả năng nha chương từ Tam Tinh Đôi đến Việt Nam qua đường Phúc Kiến-Quảng Đông là mạnh nhất, nhất là khi một số di chỉ ở Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây có niên đại xấp xỉ với niên đại các di chỉ Phùng Nguyên cũng có nha chương.
Tại Phúc Kiến, theo Child-Johnson (1995: 82), di chỉ Mi Lục thuộc văn hóa ĐàmThạch Sơn ở huyện Chương Phố có một chiếc nha chương đầu lưỡi loe, chuôi có mấu và thân khá giống một chiếc nha chương bằng đồng ở Nhị Lý Đầu. Chiếc nha chương này nằm cùng với các công cụ, vũ khí bằng đá có niên đại thời Đồng Thau (muộn hơn 1500 TCN). Tuy không nói rõ, nhưng khi nhấn mạnh quan hệ tương tác lâu đời giữa Tứ Xuyên và Phúc Kiến Child-Johnson đã ngụ ý nha chương Mi Lục có thể đến từ Tam Tinh Đôi.
Jiao (2007:193) lại cho biết: di chỉ Hổ Lâm Sơn thuộc văn hóa Phù Bân ở Phúc Kiến và Bắc Quảng Đông cũng có hai chiếc nha chương, một chiếc được chôn cùng qua, bôn đá, khuyên tai ngọc và đồ gốm; một chiếc nằm trong ngôi mộ có đồ đồng. Jiao nhận xét: cả 3 nha chương tìm được đến nay ở Phúc Kiến đều ở huyện Chương Phố, trong đó chiếc dài 51,4 cm thuộc dạng lớn, dạng ít thấy ở Trung nguyên.
Như vậy, Jiao cũng ngụ ý nha chương Hổ Lâm Sơn có thể đến từ Tam Tinh Đôi, nơi có nhiều dạng nha chương lớn.
Như chúng ta sẽ thấy, di chỉ Hổ Lâm Sơn còn có một dạng vòng tay hình ống giống một dạng vòng ở hai di chỉ Xóm Rền và Kim Sa. Di chỉ Tháp Tại Kim Sơn cũng thuộc văn hóa Phù Bân lại có kiểu mộ và qua đá giống hệt mộ và qua đá Lũng Hòa. Một loạt những tương đồng đó cho thấy văn hóa Phù Bân có liên hệ đặc biệt với văn hóa Phùng Nguyên.
Tại Quảng Đông- Hồng Kông, cho tới nay các nhà khảo cổ học đã khai quật được 7 chiếc nha chương ( 4 chiếc ở Hồng Kông và 3 chiếc ở Triều Châu).
Điều đáng nói là chiếc nha chương ở di chỉ Đại Loan, Hồng Kông được đoán định các niên đại rất khác nhau. Meacham (2009: 113) nhận xét tầng văn hóa chứa nha chương cho một niên đại C14 là 1700 TCN, một niên đại quá sớm cho sự bắt đầu thời Đồng Thau ở vùng này. Các học giả Trung Quốc, người dựa vào các đồ đồng đi cùng định cho nó niên đại Xuân Thu- Chiến Quốc (722-221 TCN), người dựa vào loại hình định cho nó niên đại sớm nhất cũng vào đầu thời Ân-Khư, tức đầu thế kỷ 14 TCN (Li Xueqin 1992).
Thực tế, niên đại của nha chương không nhất thiết cùng niên đại của các đồ đồng đi cùng. Việc định niên đại dựa vào loại hình cũng không thực sự chắc chắn. Ngay chiếc nha chương lưỡi loe ở di chỉ Thái Bình Dương, năm 1949 được Trịnh Đức Khôn định niên đại vào thời Chu (khoảng 1000 TCN), nhưng sau này, với những tư liệu mới, cách nhìn mới, lại được đưa về thời Long Sơn( trước 1900 TCN). Falkenhausen (2003:206) cho rằng nha chương dạng lưỡi loe ở Tam Tinh Đôi đã được chế tác cùng thời với văn hóa Nhị Lý Đầu và các đồ ngọc thời Đá Mới đôi khi được lưu truyền qua nhiều thế kỷ trước khi bị chôn trong lòng đất. Ông nêu ví dụ một ống Tông Lương Chử ở di chỉ Kim Sa đã được chôn sau khi nó ra đời ít nhất 1000 năm.
Tại Quảng Tây, các nhà khảo cổ mới chỉ phát hiện được hai chiếc nha chương: một chiếc đầu lưỡi vát tại di chỉ Cảm Đà Nham (1500-800 TCN) và một chiếc lưỡi loe từ lòng sông Ung.
Dễ thấy, các nha chương Hổ Lâm Sơn, Cảm Đà Nham, Bảo tàng Quảng Đông, Xóm Rền đều có đầu lưỡi vát tương tự chiếc “nha chương vua” Tam Tinh Đôi trên có khắc hình người cúng thần núi. Trong khi đó, các nha chương Hồng Kông, Triều Châu, sông Ung lại có đầu lưỡi loe, một dạng cũng khá phổ biến ở Tam Tinh Đôi.
Từ những mối liên hệ giữa đồ đồng Tam Tinh Đôi và đồ đồng Nam Dương Tử (Chương 5), chúng ta có thể đoán nha chương từ Tứ Xuyên đã lan tỏa bằng cách xuôi dòng Dương Tử qua Hồ Bắc, Giang Tây tới Phúc Kiến, Quảng Đông rồi tới Hồng Kông và Bắc Việt Nam.
Gần đây, sau khi phát hiện 3 chiếc nha chương ở Yết Dương, Triều Châu (Nam Phúc Kiến-Đông Bắc Quảng Đông), một số học giả Trung Quốc cũng cho rằng có một “con đường nha chương” từ lưu vực Hoàng Hà ( tức từ Nhị Lý Đầu theo quan điểm cũ), trước hết tới vùng ven biển ( Phúc Kiến), sau đó tới Hồng Kông và Bắc Việt Nam. 17
Rõ ràng, “con đường nha chương” đó không hình thành ngẫu nhiên. Giữa cư dân Tam Tinh Đôi và cư dân Phúc Kiến có mối quan hệ cội nguồn (Phúc Kiến và Tứ Xuyên đều có sông Mân gắn với người Mân/Man).
Việc các di chỉ Phùng Nguyên có nhiều dạng nha chương sớm muộn khác nhau (dạng sớm giống nha chương Long Sơn, Nhị Lý Đầu, dạng muộn giống nha chương Phúc Kiến-Quảng Đông ) và cùng tồn tại song song bên nhau là điều Hà Văn Tấn ( 2000) từng nhắc tới và đòi hỏi “phải tìm cách lí giải “.
Giờ đây, việc xác định nha chương Phùng Nguyên có nguồn gốc Tam Tinh Đôi, nơi cùng một lúc chế tác nhiều dạng nha chương sớm muộn khác nhau đã lí giải được hiện tượng tương tự của nha chương Phùng Nguyên.
- Chức năng và ý nghĩa
Bàn về chức năng của nha chương, Tang Chung từng cho rằng: nha chương Long Sơn, Tam Tinh Đôi là lễ khí, còn nha chương ở các nơi khác ( gồm nha chương Phùng Nguyên), do đều được tìm thấy trong mộ nên là vật tùy táng.
Thực ra, nha chương có cả hai chức năng trên, trước hết chúng là lễ khí của các thủ lĩnh kiêm pháp sư, rồi đến một ngày khi chủ nhân của chúng ra đi, chúng trở thành đồ tùy táng, tương tự các lễ khí của văn hóa Lương Chử như rìu Việt, đĩa Bích, ống Tông hay các lễ khí của văn hóa Đông Sơn như trống, thạp và rìu đồng.
Dù có chức năng gì, điều đáng quan tâm ở đây là ý nghĩa của nha chương trong văn hóa Phùng Nguyên.
Hà Văn Tấn (1997: 574-590) khi coi nha chương Phùng Nguyên đến từ nhà Thương đã từng đặt câu hỏi: “Truyền thuyết Việt Nam có nói đến giặc Ân thời các vua Hùng. Sự tiếp xúc giữa văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Ân Thương phải chăng đã nói lên cái lõi sự thật của truyền thuyết trên? ”.
Trước khi đặt ra câu hỏi đó, ông đã dẫn Chu lễ nói về việc nha chương được “dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn thú”; dẫn câu của học giả Trung Quốc Phùng Hán Ký viết “nha chương liên quan đến quân đội, tác dụng của nó tương tự với hổ phù đời sau, gọi là nha chương bởi nha (răng) có ý nghĩa công kích, thị uy, uy hiếp”.
Chia sẻ quan điểm đó, Nguyễn Việt (2010:222) nói rõ hơn: nha chương là vật “có nguồn gốc từ thời Thương, là biểu tượng quyền uy mà sứ giả nhà Thương mang theo để tặng và phủ dụ các chư hầu và bang tộc thuộc quốc”.18
Tuy nhiên, chức năng quân sự nói trên của nha chương chỉ xuất hiện vào thời nhà Chu. Vào đầu thời nhà Thương tức vào thời Phùng Nguyên, nha chương chưa có chức năng đó. Và chúng ta sẽ thấy, truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân không có mối liên quan nào với người Phùng Nguyên (Phụ lục 5 C, 5D).
Hán Văn Khẩn (2009:79) dù coi nha chương là một loại “vũ khí đặc biệt tạo vị thế đặc biệt cho di chỉ Xóm Rền” nhưng vẫn băn khoăn không rõ nha chương là biểu trưng cho quân quyền hay là lễ khí. Cuối cùng, ông coi nha chương Phùng Nguyên đơn giản chỉ là sản phẩm của sự giao lưu, tiếp xúc (!?).
Trong khi đó, các nhà khảo cổ học khác, trẻ trung hơn nên có những suy đoán mới mẻ hơn.
Trịnh Sinh (2007) nhận xét thận trọng: sự có mặt của nha chương ở mộ Xóm Rền cho thấy trong xã hội Việt cổ đã xuất hiện một số thủ lĩnh có quyền lực, là tiền đề để hình thành nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương trên vùng Đất Tổ sau này 19.
Còn Nguyễn Việt (2010: 158-59) đoán định mạnh mẽ: ngôi mộ Xóm Rền có 2 nha chương là “ngôi mộ giàu nhất của xã hội Phùng Nguyên”; đó không chỉ là mộ thủ lĩnh Xóm Rền mà còn là“ mộ thủ lĩnh đại diện cho cả thế giới Lạc Việt ở Lĩnh Nam”. Ông đặt câu hỏi: phải chăng đó chính là “thực ảnh của huyền thoại được ghi chép trong Việt Sử lược”: ” Đến đời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang.” ?
Theo tôi, việc phát hiện 8 chiếc nha chương chỉ riêng ở hai di chỉ Xóm Rền, Phùng Nguyên cho thấy thời Phùng Nguyên chắc chắn đã xuất hiện một số thủ lĩnh- kiêm pháp sư ở các cấp độ khác nhau. Chủ nhân của chiếc nha chương lớn nhất ở Xóm Rền có thể là một vị tộc trưởng.
Nhưng như chúng ta sẽ thấy, nước Văn Lang của Vua Hùng đã ra đời cùng với văn hóa Đông Sơn vào đầu thế kỷ 7 TCN chứ không vào thời Phùng Nguyên (Chương 7). Vì thế, ý kiến của Trịnh Sinh là hợp lý hơn.
Trong văn hóa Tam Tinh Đôi, nha chương là lễ khí gắn với các tín ngưỡng thờ Núi-Sông (Phụ lục 4A). Trong văn hóa Phùng Nguyên, nha chương chắc cũng gắn với các tín ngưỡng đó, đồng thời là một biểu trưng cho quyền thế của thủ lĩnh kiêm pháp sư.
Tóm lại, nha chương xuất hiện trong văn hóa Lương Chử và phát triển trong văn hóa Tam Tinh Đôi với chức năng chính là một lễ khí. Sự xuất hiện của nha chương trong văn hóa Phùng Nguyên, một mặt phản ánh sự tồn tại của một tầng lớp thủ lĩnh- pháp sư Phùng Nguyên, mặt khác thể hiện mối liên hệ cội nguồn văn hóa-tộc người giữa người Phùng Nguyên với người ở Tứ Xuyên, Phúc Kiến và Quảng Đông.
15. Phù hiệu đá
HX.Chinh-NN. Bích (1978: 86) cho biết: Nguyễn Lộc, người có công phát hiện ra di chỉ Phùng Nguyên đã thu lượm được một phiến đá chữ nhật (5, 2 x 2,4 cm), mặt trước có hoa văn, mặt sau trên có lỗ và dưới có một cái móc. Vật đã bị mất, hiện chỉ còn bản vẽ cho thấy hoa văn gồm mặt thú cách điệu, các đường cong hình chữ X, biểu hiện mây, sấm v.v…. Di vật có kiểu dáng và phong cách hoa văn rất gần với một vật trang sức ở kiếm trong một ngôi mộ Hán ở Lạc Dương-Trung Quốc, có hoa văn tương tự một vật bằng đá ngọc trong một ngôi mộ thời Bắc Thuộc ở Mân Trung (Thanh Hóa). Vì thế, hai tác giả ngờ rằng nó thuộc giai đoạn muộn hơn văn hóa Phùng Nguyên.
Tuy nhiên, có thể thấy mô típ “mặt thú” cách điệu trên phiến đá khá gần gũi với một mô típ “mặt người” trên một chiếc nha chương Tam Tinh Đôi; mô típ hai chữ C lồng vào nhau ở hai góc dưới cũng gần gũi với các mô típ trên một tấm đồng Tam Tinh Đôi và một tấm đồng Nhị Lý Đầu có gốc từ Tam Tinh Đôi ( theo Bargley 2001:159), cả hai có hình dáng khá giống phiến đá Phùng Nguyên. Mô típ hai đường xoáy ốc hình chữ X là một dạng đơn giản của mô típ ếch trên lá vàng Tam Tinh Đôi.
Các học giả ở Bảo tàng Tam Tinh Đôi (2006: 77) cho hay: một tấm đồng Tam Tinh Đôi (cỡ 46,4 x17 cm) có hình người không đầu, không chân. Hai bên có 4 tai có lỗ để xỏ dây. Mô típ chính là các con cò cách điệu, có liên quan tới tục thờ chim ở nước Thục cổ. Từ đó, họ đoán đó là một phù hiệu dùng trong tế lễ. Một tấm đồng khác có hình dáng tương tự nhưng nhỏ hơn (14 x 5,6 cm) có hoa văn cây, quả và các búp lá mang tính phồn thực. Đặc biệt, tấm đồng này có dấu tích vải, chứng tỏ đó là một phù hiệu được đính vào vải.
Theo tôi, đó chính là những phù hiệu bằng đồng được đính lên lễ phục của vua- pháp sư Thục. Trong mối liên hệ với nha chương Tam Tinh Đôi, phiến đá tìm được ở Phùng Nguyên là một di vật của văn hóa Phùng Nguyên và là một phù hiệu đính trên lễ phục của thủ lĩnh-pháp sư Phùng Nguyên.
16. Đồ trang sức hình dấu phẩy và hình rìu Việt
HX.Chinh-NN. Bích (1978:83) lại cho biết: di chỉ Phùng Nguyên có ba vật trang sức nhỏ gồm 2 chiếc “hình dấu phẩy” và một chiếc “ hình rìu xéo” làm bằng đá ngọc.
Hán Văn Khẩn (2009: 51) cũng cho hay: di chỉ Xóm Rền có một chiếc rìu nhỏ có vai (dài 3,7cm) bằng đá opal được mài đen bóng. Ông đoán đó là một vật trang sức hoặc vật tượng trưng gì đó.
Theo tôi, vật hình “dấu phẩy” Phùng Nguyên rõ ràng là họ hàng với một vật trang sức có tên gọi magatama xuất hiện vào cuối thời Jomon (1000-600 TCN) và Yayoi ( 400 TCN-300 SCN), Nhật Bản. Tùy chất liệu, độ tinh xảo, một chiếc hay thành chuỗi, nó là biểu trưng cho thủ lĩnh-vua chúa hay là đồ trang sức-bùa may-vật kỵ ma trong dân gian, đồng thời cũng được dùng làm vật cúng thần linh, đồ tùy táng.
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của magatama Nhật Bản: mô phỏng hình răng thú, bào thai, mặt trăng, hồn người…Theo tôi, nó có gốc từ hình tia mặt trời trên dọi xe sợi Hà Mẫu Độ, Khuất Gia Lĩnh, sau cũng là hình của Âm-Dương Thái Cực (Phụ lục 2A). Còn đồ trang sức hình rìu thì rõ ràng có gốc từ rìu Việt, một công cụ, vũ khí sau cũng trở thành một biểu tượng, đồ trang sức, bùa may. Một chiếc khuyên tai dạng rìu Việt cổ điển đã được phát hiện trong mộ Phụ Hảo thời Thương (Phụ lục 4 A).
17. Khuyên tai bốn mấu
Khuyên tai 4 mấu bằng ngọc có tại các di chỉ Nghĩa Lập, Lũng Hòa, đặc biệt các dạng phác vật, phế vật và vật thành phẩm được phát hiện tại hai di chỉ-xưởng Tràng Kênh Bãi Tự. Các dạng tương tự cũng xuất hiện ở Đài Loan, Hồng Kông, Cămpuchia và Philippines. Tiếp đó, nó cũng xuất hiện trong văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, Sa Huỳnh bằng đá, đồng hay thủy tinh.
Hà Văn Tấn (1997:621) khẳng định: dạng khuyên tai 4 mấu cổ nhất với các mấu và mép ngoài nằm gọn trong một hình vuông, đỉnh của 4 mấu chính là 4 góc của hình vuông xuất hiện tại di chỉ Nghĩa Lập. Nó có thể đã ra đời từ một mảnh đá vuông đã khoan lỗ trong quá trình làm dạng khuyên tai thông thường. Việt Nam là nơi tìm thấy nhiều khuyên tai có mấu nhất ở ĐNA với các dạng có thể xếp thành một chuỗi mang niên đại từ sớm đến muộn. Các di chỉ khác ở ĐNA có dạng khuyên tai này đều có niên đại muộn hơn. Vì vậy, “Việt Nam là quê hương của khuyên tai có mấu”.
Nhưng những cuộc khai quật từ 1980 đến 1989 lại cho thấy, nơi có khuyên tai 4 mấu bằng đá ngọc sớm nhất là di chỉ Thạch Hiệp ở Bắc Quảng Đông (niên đại 2000- 1600 TCN); nơi có nhiều khuyên tai 4 mấu nhất là Đài Loan, riêng trong 184 ngôi mộ ở di chỉ Ti Nam (1500-800 TCN) có tới 671 chiếc (Chao Mei Lien 1991:347).
Khi ngắm hình vẽ khuyên tai Nghĩa Lập được Hà Văn Tấn coi là dạng khuyên tai 4 mấu sớm nhất, tôi đã nhận thấy cấu trúc “trong tròn ngoài vuông” của nó và ngờ rằng 4 mấu của nó là biến thể của 4 góc vuông nhìn theo mặt cắt ngang của một dạng ống Tông cổ điển.
Điều lý thú là, tôi lại tìm được một tấm ảnh không rõ là vô tình hay cố ý, đặt hai chiếc khuyên tai 4 mấu trên một ống Tông Thạch Hiệp. Xem ra khuyên Nghĩa Lập còn gần với nguyên mẫu ống Tông hơn, nhưng có lẽ, hai chiếc khuyên trong ảnh không phải là dạng khuyên 4 mấu đầu tiên hay duy nhất trong văn hóa Thạch Hiệp.
Như chúng ta đã và sẽ thấy, 3 lễ khí bằng ngọc tiêu biểu của văn hóa Lương Chử đều hóa thân thành các dạng đồ trang sức: rìu Việt thành khuyên tai , đĩa Bích thành vòng có mặt cắt chữ T, còn ống Tông thành khuyên tai 4 mấu.
Đáng chú ý, chiếc khuyên Gò Mun có 4 mấu hình răng tương tự một chiếc khuyên ở Kim Sa. Các nhà khảo cổ học Tứ Xuyên gọi nó là “đĩa Bích có mấu” và cho biết dạng đĩa này có niên đại sớm nhất là trên 3000 TCN và đã được phát hiện trước đó ở Liêu Ninh (Viện khảo cổ học Thành Đô 2006:39).
Liêu Ninh là địa bàn của văn hóa Hồng Sơn (4700-2900 TCN) với nghề chế tác đồ ngọc sớm nhất ở Trung Quốc và có quan hệ cội nguồn với nghề chế tác đồ ngọc trong văn hóa Lương Chử.
Dù dạng đĩa Bích có mấu giống khuyên tai có mấu xuất hiện sớm hơn nhưng dạng khuyên tai 4 mấu đích thực, có khe hở nhiều khả năng có nguồn gốc trực tiếp từ dạng ống Tông trong tròn ngoài vuông và xuất hiện đầu tiên trong văn hóa Thạch Hiệp.
Peregrine (2001: 327) cho biết, giai đoạn đầu của văn hóa Thạch Hiệp (3000- 2500 TCN) vẫn có cặp lễ khí ống Tông-đĩa Bích bằng đá ngọc, nhưng giai đoạn muộn (2000-1500 TCN) không có nữa.
Có lẽ, do không còn nguồn đá ngọc khiến nghề làm ngọc phôi pha, người Thạch Hiệp đã phải cưa cắt những ống Tông cũ thành nhiều phiến mỏng rồi sửa sang thành các khuyên tai 4 mấu. Sau đó, người Thạch Hiệp truyền bá khuyên tai 4 mấu cùng với các kỹ thuật chế tác ngọc nephrire tới Đài Loan và Việt Nam.
18. Đĩa Bích 20
Hoàng Xuân Chinh –Nguyễn Ngọc Bích (1978:78), trong phần nói về vòng trang sức Phùng Nguyên có nêu những chiếc vòng có mặt cắt hình tam giác, dày ở mặt trong, mỏng dần về phía ngoài, có đường kính ngoài lớn hơn các loại vòng khác nhưng đường kính trong quá nhỏ (dưới 5 cm). Hai ông không đoán được đó là vòng trang sức hay là vật gì khác?
Hán Văn Khẩn (2009:86) cũng nói đến một loại vòng ngọc ở Xóm Rền với mặt cắt hình tam giác có lỗ khoan ở giữa rất nhỏ. Ông ngờ rằng đó là một “vật mang tính nghi lễ tượng trưng nào đó”.
Phạm Minh Huyền (1995:24) khi nói về một chiếc vòng cũng có mặt cắt hình tam giác, đường kính ngoài 18,5cm, đường kính trong 3,5 cm được tìm thấy cùng với nha chương trong một hố đất đen ở Phùng Nguyên năm 1985 đã khẳng định đó không thể là vòng đeo tay mà là đĩa Bích đi cùng với nha chương thành một bộ.
Tang Chung, người cùng các nhà khảo cổ học Việt Nam có một cuộc khai quật tại Xóm Rền năm 2002 cũng thông báo đã tìm được cả nha chương và đĩa Bích. 21
Trong hai cuốn sách về văn hóa Phùng Nguyên ( 2005) và về di chỉ Xóm Rền (2009) Hán Văn Khẩn đã không nói gì về đĩa Bích, nhưng theo tôi, có thể khẳng định: văn hóa Phùng Nguyên có đĩa Bích.
Đĩa Bích cũng xuất hiện trong văn hóa Khok Phanom Di ở Thái Lan. Các tấm ảnh của Higham (1989:31), Higham-Thosarat (1998:76,117) cho thấy hình một loạt đĩa làm bằng mu rùa và vỏ trai có đường kính khoảng 10 cm, lỗ tâm rất nhỏ và có cổ; một chiếc đĩa được làm từ mu rùa có lỗ tâm cũng khá nhỏ. Một chiếc vòng đá ở di chỉ Bản Lum Khao (1400-1000 TCN) cũng có mặt cắt hình tam giác, dày trong- mỏng ngoài giống hệt đĩa Bích Phùng Nguyên. Đường kính trong của nó rõ ràng cũng nhỏ hơn đường kính trong của chiếc vòng mặt cắt chữ T vẫn còn lồng vào xương ống tay trong tấm hình bên cạnh. Higham-Thosarat chỉ gọi chúng là đĩa hay vòng, nhưng theo tôi, chúng cũng là đĩa Bích.
Đĩa Bích xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Hồng Sơn nhưng nhiều nhất và đẹp nhất trong văn hóa Lương Chử. Đĩa Bích tròn- ống Tông vuông, biểu tượng cho Trời- Đất, là hai lễ khí và vật tùy táng quan trọng của văn hóa Lương Chử ( Phụ lục 2 B).
Theo Falkenhausen (2003:207) dạng đĩa Bích cổ điển chỉ xuất hiện tại các di chỉ sớm của văn hóa Tam Tinh Đôi như Thái Bình Dương, Trấn Vũ. Việc phát hiện những ống Tông và đĩa Bích bằng đá và ngọc làm dang dở cho thấy rõ ràng chúng được chế tác tại Tứ Xuyên. Tại Quảng Đông, đĩa Bích cũng chỉ có ở văn hóa Thạch Hiệp sớm.
Trong mối liên hệ gắn bó với nha chương, những chiếc đĩa Bích đầu tiên của văn hóa Phùng Nguyên hoặc đã đến từ văn hóa Tam Tinh Đôi sớm, hoặc từ văn hóa Thạch Hiệp sớm. Nhiều khả năng, các nguyên mẫu cho đĩa Bích Phùng Nguyên đã đến từ Thạch Hiệp thông qua văn hóa Phù Bân ở Phúc Kiến.
19. Vòng có mặt cắt chữ T 22
Cả HX.Chinh-NN. Bích (1978:82) và Hán Văn Khẩn (2009: 86) đều coi dạng vòng ngọc có mặt cắt chữ T (từ đây gọi là vòng chữ T) là loại vòng đẹp nhất, được làm công phu nhất và là “một tuyệt tác” của văn hóa Phùng Nguyên.
Nhiều di chỉ Phùng Nguyên còn có dạng vòng này bằng đất nung và đá.
Dạng vòng đó bằng đá cũng có ở các di chỉ Khok Phanom Di, Bản Kao, Bản Chiềng ở Thái Lan, Gua Cha và Selangor tại Malaysia.
Theo Meacham (2009:105): dạng vòng chữ T cùng với qua đá, rìu cỡ lớn có lỗ (rìu Việt) là những dạng đồ đá mài mới, tiêu biểu nhất cho hậu kỳ Đá Mới (2400-1500 TCN) ở Hồng Kông.
Chao-mei Lien (2002) cho biết văn hóa Ti Nam-Đài Loan cũng có 6 chiếc vòng dạng này bằng đá ngọc.
Vòng chữ T còn được gọi là “đĩa Bích có cổ “ 23, bởi nhiều học giả cho rằng nó có gốc từ đĩa Bích và có chức năng gần gũi với chức năng của đĩa Bích (Fankenhousen 2003:207).
Tương tự như ống Tông đã hóa thành một dạng khuyên tai, đĩa Bích cũng hóa thành một dạng vòng tay, vừa là vật trang sức vừa là lễ khí của pháp sư shaman.
Theo Chau Hing-wah (2009) những tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chế tác đá và việc phát hiện các lễ khí bằng ngọc được mài nhẵn công phu như vòng và rìu Việt ở vùng đồng bằng sông Châu trong giai đoạn 2900-2200 TCN cho thấy các cư dân ở đây đã học được kỹ thuật chế tác đá, ngọc trình độ cao từ văn hóa Lương Chử thông qua cư dân Thạch Hiệp 24.
Do rìu Việt và đĩa Bích là hai biểu tượng đặc trưng của văn hóa Lương Chử nên rìu Việt và vòng chữ T ở vùng đồng bằng sông Châu chắc chắn có gốc Lương Chử- Thạch Hiệp. Trong các đĩa Bích Lương Chử được công bố, chúng ta cũng thấy một chiếc có cổ nhưng thấp hơn cổ của các vòng chữ T sau này.
Tại Tứ Xuyên, vòng chữ T xuất hiện sớm nhất tại di chỉ Thái Bình Dương có niên đại khoảng 2100-1800 TCN (Childs- Johnson 1998).
Quả thực, chúng ta không biết vòng chữ T xuất hiện ở vùng đồng bằng sông Châu trước hay ở Tứ Xuyên trước, nhưng cho đến nay Tứ Xuyên là nơi tìm thấy nhiều nhất dạng vòng này: di chỉ Thái Bình Dương (đôi ba chiếc), Tam Tinh Đôi (14 chiếc), Kim Sa (gần 100 chiếc).
Do vòng ngọc chữ T thường đi cùng với nha chương, có thể những chiếc vòng chữ T Phùng Nguyên bằng ngọc đầu tiên cũng đến từ Tứ Xuyên qua đường Phúc Kiến.
20. Vòng tay hình ống có gờ nổi
Tại cả hai di chỉ Phùng Nguyên và Xóm Rền đều có một dạng vòng đeo ở cổ tay hình ống mặt ngoài có các đường gờ nổi song song.
Jiao (2007:195) cho biết , một dạng vòng tương tự cũng thấy tại di chỉ Hổ Lâm Sơn, thuộc văn hóa Phù Bân (1500-1000 TCN) ở Nam Phúc Kiến và Đông Bắc Quảng Đông.
Được biết, dạng vòng này xuất hiện đầu tiên trong văn hóa Lương Chử, sau đó ở các văn hóa Nhị Lý Đầu và Tam Tinh Đôi (Chengdu 2006).
Có vẻ vòng ống Phùng Nguyên và Hổ Lâm Sơn là một sự tổng hòa dạng vòng ống với dạng vòng chữ T.
Dạng vòng ống trên góp thêm một bằng chứng khẳng định mối liên hệ Tam Tinh Đôi-Phúc Kiến-Phùng Nguyên.
21. Qua
Qua làm bằng đá hay đá ngọc được phát hiện chủ yếu trong các di chỉ Phùng Nguyên muộn (Lũng Hòa, Tràng Kênh, Đồng Đậu).
HX.Chinh-NN. Bích (1978:150-55) cho biết: nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam đã so sánh qua đá Lũng Hòa với qua đá ở các di chỉ cuối Đá Mới ở Phúc Kiến và Đông- Đông Bắc Quảng Đông.
Higham (1996a:87) thấy qua Lũng Hòa gần gũi nhất với qua Tháp Tại Kim Sơn và Nguyên Quang ( hai di chỉ thuộc văn hóa Phù Bân) và cùng loại với qua Tam Tinh Đôi và Nhị Lý Đầu ( loại qua trông giống dao găm). Ông dẫn ý kiến của Murowchick (1989) cho rằng qua Lũng Hòa là sản phẩm trao đổi. Chúng ta có thể nói rõ hơn: qua Lũng Hòa là sản phẩm trao đổi với văn hóa Phù Bân. Hơn nữa, cũng như nha chương Hổ Lâm Sơn, qua Lũng Hòa và qua Tháp Tại Kim Sơn đều có nguồn gốc Tam Tinh Đôi.
Văn hóa Nhị Lý Đầu có nhiều qua ngọc, cỡ lớn, có hoa văn ở chuôi và không có dấu vết xử dụng, phần lớn chỉ có ở mộ giàu nên được coi là biểu tượng cho quyền uy, của cải giống nha chương. Qua ngọc Nhị Lý Đầu có dáng cân xứng và mũi nhọn ở giữa, khác với qua Thương mũi nhọn hơi chúc xuống. Qua Lũng Hòa và Tháp Tại Kim Sơn rõ ràng thuộc kiểu qua Nhị Lý Đầu và Tam Tinh Đôi sớm.
Văn hóa Tam Tinh Đôi còn có loại nửa qua nửa nha chương, mũi nhọn nhưng chuôi có mấu. Không ngẫu nhiên, chiếc nha chương Mi Lục ở Phúc Kiến, lúc đầu có người cho là qua nhưng sau lại được xác nhận là nha chương.
Hán Văn Khẩn coi qua Lũng Hòa là một dạng vũ khí. Nhưng đúng ra, phải coi đó là một lễ khí tương tự với nha chương.
Dù có niên đại muộn, qua đá Lũng Hòa khẳng định mối liên hệ truyền thống giữa vùng Nam Phúc Kiến-Đông Bắc Quảng Đông với Bắc Việt Nam.
22. Tục làm mộ có bậc
Theo HX.Chinh-NN. Bích ( 1978) tại di chỉ Lũng Hòa đã xuất hiện dạng mộ đào sâu, có bậc ở thành mộ, một mộ sâu 5,28m, có hai bậc. Higham (1996:87) nhận xét: mộ Lũng Hòa giống mộ Tháp Tại Kim Sơn. Tại đó, ngôi mộ lớn nhất, nhiều đồ tùy táng nhất, có áo quan, chôn đỉnh đồi, có kích cỡ 4,2 m x 2,9 m, sâu 3,6 m và có một bậc.
Dạng mộ có bậc để đặt đồ tùy táng này (gọi là kiểu mộ nhị tầng đài) xuất hiện từ văn hóa Đại Văn Khẩu ở giai đoạn muộn 3000-2600 TCN, sau cũng thấy trong văn hóa Long Sơn, Lương Chử, Nhị Lý Đầu… Thường chỉ các mộ lớn, mộ giàu mới có bậc.
Một ngôi mộ Đại Văn Khẩu dài 4,2m, rộng 3,2m, sâu 0,36m. Trong hố có phòng mộ với quan tài gỗ. Phần lớn đồ tùy táng được đặt trên bậc bao quanh phòng mộ. 25
Như vậy, cư dân cuối thời Phùng Nguyên và cư dân Phù Bân không chỉ có các lễ khí (nha chương, qua, vòng tay) như nhau mà cả táng tục cũng giống nhau, chứng tỏ họ có mối quan hệ văn hóa-tộc người gần gũi.
23. Tục để đầu người chết hướng Đông/Đông Nam
Theo Hán Văn Khẩn (2009:196, 2005:58): người chết trong 4 ngôi mộ ở Xóm Rền ( Phùng Nguyên sớm) nằm ngửa, quay đầu hướng Đông; trong 12 ngôi mộ Lũng Hòa (Phùng Nguyên muộn) quay đầu hướng Đông Nam.
Tại di chỉ Mán Bạc, đa số mộ có người chết nằm ngửa, đầu hướng chính Đông hay Đông Bắc (Oxenham và các cộng sự 2011: 135-168).
Tại Khok Phanom Di, trong 154 mộ hầu hết người chết cũng đều nằm ngửa, quay đầu hướng Đông (Higham 1989:34)
Luo (1999:117) xác định tục này tồn tại ở vùng ven biển từ Sơn Đông tới Quảng Đông từ thời Đá Mới cho tới thời Chu (các văn hóa Đại Văn Khẩu, Mã Gia Bang, Tùng Trạch, Lương Chử). Hướng Đông được coi là hướng biển-nước-mặt trời, vì thế ở vùng Thái Hồ (Giang Tô-Chiết Giang) thay cho hướng Đông là hướng hồ, nơi dễ nhìn thấy mặt trời và nước.
Cụ thể hơn, trong hơn 100 mộ ở di chỉ Đại Văn Khẩu, phần lớn người chết đầu hướng Đông, được nhiều học giả cho là hướng mặt trời mọc ( Underhill 2000:107).
Tại Phúc Kiến, tục này chủ yếu các ngôi mộ chôn trong vách đá.
Tại Quảng Đông, tục đó có ở các di chỉ Thạch Hiệp, Đông Loan Tử (Higham 1996:65, 67, 84; Li Guo 2002:33). Riêng tại di chỉ Hà Đãng, mộ nam giới đầu hướng Tây, còn nữ giới đầu hướng Đông (Kangxin 1982).
Như vậy, tục chôn người chết đầu hướng Đông trong hai văn hóa Phùng Nguyên và Khok Phanom Di có cội nguồn xa từ các văn hóa Đại Văn Khẩu, Mã Gia Bang, Lương Chử, cội nguồn gần từ Quảng Đông và
Tư liệu dân tộc học cho thấy cách để người chết đầu Đông-chân Tây có liên quan đến quan niệm về vũ trụ 4 phương và 2 thế giới.
Nhiều tộc người ở Tây Nguyên tin rằng khi chôn người chết đầu Đông-chân Tây, người chết sẽ đi về hướng Tây-hướng mặt trời lặn-hướng thế giới của người chết.Thế giới của người chết ở hướng Tây-bên dưới-gắn với nước cũng là quan niệm phổ biến của nhiều dân tộc trên thế giới.
Cần nhấn mạnh là tại các di chỉ thuộc trung kỳ Đá Mới ở Việt Nam như Quỳnh Văn, Đa Bút, người chết luôn được chôn ở tư thế bó gối hay nằm co trong các hố mộ hình tròn. Tục chôn người chết nằm ngửa, chân thẳng có gốc từ phương Bắc và bắt đầu phổ biến ở Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt Nam vào cuối thời Đá Mới, khoảng 2500-1500 TCN (Rispoli 2007: 268, 282).
24. Tục chôn người chết ngay tại nơi cư trú.
Theo Hán Văn Khẩn (2005:176): người Phùng Nguyên chôn người chết ở ngay nơi cư trú.
Meacham (1983) coi đó là táng tục của một số cư dân đánh cá, mò ngọc trai vùng ven biển từ Đài Loan xuống miền trung Việt Nam có từ cách đây 6000 năm ( dẫn theo Higham 1996 b:116).
Tại Đài Loan, 1530 ngôi mộ ở di chỉ Ti Nam (1500-800 TCN) đều nằm trong làng và dưới nền nhà ở (Peregrine 2003:290). Được biết, táng tục này vẫn còn ở người Puyuma tại Đài Loan đến đầu thế kỷ 19, ở người Klao tại Quí Châu và người Kelong tại đảo Hải Nam và một số tộc người ở Philippines cho đến thời gian rất gần đây. 26
Tại Phúc Kiến, theo Jiao (2007:9) các cuộc khai quật trên một khu đất rộng 513 m2 ở di chỉ Đàm Thạch Sơn đã phát hiện được 32 mộ, 2 bếp và 59 hố (gồm hố tro, hố rác, hố kho, rãnh thoát nước, hố cúng lễ, hố cột nhà) với 3 tầng văn hóa phản ánh 3 thời kỳ phát triển của văn hóa Đàm Thạch Sơn.
Có thể thấy, trên một khu đất không rộng với đủ các dấu tích như trên, cư dân Đàm Thạch Sơn cũng có tục chôn người chết ở ngay nơi cư trú.
Theo Higham (1989:34), tại di chỉ Khok Phanom Di, 154 ngôi mộ phân bố theo từng khu rõ rệt. Một số mộ còn thấy nằm giữa các hố cột, tức dưới nền nhà.
Như vậy, người Khok Phanom Di ở giai đoạn đầu cũng có tục chôn người chết ở ngay nơi cư trú.
Tóm lại, người Phùng Nguyên có cùng táng tục trên với các cư dân Đá Mới vùng ven biển ở Phúc Kiến, Đài Loan và Thái Lan. Việc chưa có khu mộ riêng và nền nhà chính là hai dấu hiệu cho lối sống thiên về săn bắt hái lượm của người Phùng Nguyên ở giai đoạn đầu.
25. Tục nhổ răng 27
Theo H.V.Khẩn (2009:197) tục nhổ răng cho tới nay chỉ thấy ở các di cốt Phùng Nguyên, không thấy ở các di cốt Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút thời trước đó. Cụ thể, người Xóm Rền nhổ hai răng cửa bên hàm trên và 4 răng cửa hàm dưới, trong khi người Đồng Đậu ( giai đoạn Phùng Nguyên) và người Mán Bạc ( Phùng Nguyên muộn) chỉ nhổ hai hai răng cửa hàm trên.
Theo Pietrusewski (2002:71): tại di chỉ Khok Phanom Di, 83% di cốt người lớn có dấu tích của tục nhổ răng.
Tục này xuất hiện đầu tiên ở hai văn hóa Bắc Tân-Đại Văn Khẩu, từ đó nó lan tỏa tới nhiều văn hóa phía Nam: Mã Gia Bang (Chiết Giang), Đàm Thạch Sơn (Phúc Kiến), Ti Nam, Viên Sơn (Đài Loan), Khuất Gia Lĩnh, Thạch Gia Hà (Hồ Bắc), Jomon ( Nhật Bản), Hà Đãng và Đông Loan Tử Bắc ( Quảng Đông) nhưng lại không thấy ở văn hóa Long Sơn tiếp theo văn hóa Đại Văn Khẩu và văn hóa Hà Mẫu Độ liền kề với văn hóa Mã Gia Bang. Nó còn tồn tại ở Giang Tô cho đến tận thời Chu, ở Tứ Xuyên đến tận thời Minh, ở người Klao Quí Châu cho đến trước 1949 ( Han-Nakahashi 1996; Bellwood 2005; Guo Li 2002; M. Pietrusewsky-M.T. Douglas 2002). Nhiều tộc người ở Tây Nguyên nước ta và thổ dân Úc cho đến giữa thế kỷ 20 cũng vẫn còn tục này.
Tục nhổ răng xuất hiện từ thời Đá Giữa ở Bắc Phi và sau đó ở nhiều nơi trên thế giới cho đến tận ngày nay. Nó có thể mang nhiều mục đích: đánh dấu tuổi trưởng thành, tuổi kết hôn, làm đẹp, thử thách lòng dũng cảm, thể hiện sự mất mát người thân, phòng bệnh, tạo ra một dấu hiệu đặc trưng cho người cùng làng hay cùng dòng họ.
Cùng với tục chôn người chết đầu hướng Đông, tục nhổ răng cho thấy mối liên hệ cội nguồn xa giữa văn hóa Phùng Nguyên với văn hóa Đại Văn Khẩu.
Kết luận
– Xét tổng thể, văn hóa Phùng Nguyên có mối liên hệ cội nguồn gần và trực tiếp với các văn hóa Đá Mới có niên đại sớm hơn ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Đài Loan, Tứ Xuyên; có mối liên hệ cội nguồn xa và gián tiếp với các văn hóa có niên đại sớm hơn nữa ở Sơn Đông, Chiết Giang, Hồ Nam. Điều đó tương hợp với giả thuyết của Bellwood nhưng khác ở một điểm: vùng đất cội nguồn chính của văn hóa Phùng Nguyên không phải là vùng Hồng Kông-đồng bằng sông Châu mà là vùng Phúc Kiến- Đông Bắc Quảng Đông, vùng trung tâm của văn hóa Đàm Thạch Sơn.
– Văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Khok Phanom Di cùng thời ở Thái Lan có cùng cội nguồn. Điều này tương hợp với giả thuyết của Higham nhưng cũng khác ở một điểm: vùng đất cội nguồn của hai văn hóa trên không phải là Vân Nam mà là Phúc Kiến-Đông Bắc Quảng Đông.
– Mối liên hệ cội nguồn giữa văn hóa Phùng Nguyên với các văn hóa Đá Mới ở Phúc Kiến-Quảng Đông được khẳng định và tiếp nối bằng mối liên hệ cội nguồn giữa văn hóa Đồng Đậu-văn hóa sơ kỳ Đồng Thau ở Việt Nam với các văn hóa Đồng Thau ở Quảng Đông. Theo Higham (1996 a: 96): kỹ thuật đúc, chủng loại và niên đại của đồ đồng Đồng Đậu gần gũi với kỹ thuật đúc, chủng loại và niên đại của đồ đồng ở vùng đồng bằng sông Châu- Hồng Kông.
– Tất cả 4 giả thuyết đã có về văn hóa Phùng Nguyên đều có một điểm chung: chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên là di dân từ nơi khác đến. Chúng chỉ khác nhau ở các điểm: di dân đó đến từ phía Nam, phía Tây Bắc hay phía Đông Bắc, theo đường dọc sông Hồng hay dọc ven biển, nói ngôn ngữ Thái-Kađai hay Nam Á, là cư dân đã biết trồng lúa hay vẫn là cư dân săn bắt hái lượm.
Nghiên cứu so sánh trên đã cho thấy chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên là di dân từ vùng Phúc Kiến-Đông Bắc Quảng Đông, tức từ phía Đông Bắc. Nhưng họ là ai, nói ngôn ngữ gì, sống như thế nào, vì sao họ đến Việt Nam, đến theo đường nào, bằng cách nào?
Một giả thuyết mới ở Chương 3 sẽ trả lời các câu hỏi trên.
Chú thích:
1 Theo qui ước chung, rìu (axe) có lưỡi mài vát cân đối hai bên, bôn (adze) có lưỡi mài vát một bên hoặc hai bên lệch nhau. Công cụ Phùng Nguyên chủ yếu là bôn. Bôn tứ giác là bôn có hình chữ nhật, bầu dục hay hình thang. Rìu bôn có vai là rìu bôn có chuôi hay đốc tra cán thu nhỏ tạo ra hình giống vai người (một hay hai vai). Bôn có nấc tức là có một nấc trên bề mặt.
2 Một số học giả Việt Nam dùng tên gọi “dọi xe chỉ” .Theo tôi, trong tiếng Việt, từ “chỉ” thường được dùng cho dạng sợi nhỏ dùng để may thêu quần áo, vì thế dùng từ “sợi” đúng hơn..
3 Tiếng Anh: tripod. Lưu ý: đỉnh là một từ gốc Nam Á, họ hàng với ninh trong tiếng Việt. Hiện chỉ có tiếng Việt và tiếng Mân Phúc Kiến còn giữ nghĩa là nồi nấu (Phụ lục 3 A).
4 Dạng di vật này ở Việt Nam còn được gọi là: hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, sừng bò, chân giò, vật giữ lửa…Ở Trung Quốc là vật hình giày, sừng lợn, đầu lợn, mõm lợn, chày gốm…Từ tiếng Anh là : clay supports, pot supports, baked clay pediform supports.
5 Hoàng Xuân Chinh gọi là “đĩa mâm bồng”, Hán Văn Khẩn gọi là bát bồng, đều có lý. Tiếng Anh cũng dùng stand bowl hay pedestalled serving stand; tiếng Hoa chỉ có một từ dou (đậu).
6 Từ “độc đáo” là từ nhiều học giả Việt Nam rất ham dùng đến mức lạm dụng.
7 Hán Văn Khẩn đã nhờ chuyên gia Nhật phân tích chất bột trắng trên gốm Phùng Nguyên và thấy đó là một hợp chất có thành phần chính là Ca, P, Al và S. Ông cho rằng đó là hợp chất nhân tạo, phản ánh một tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng chất lượng và vẻ đẹp của gốm Phùng Nguyên.
8 Nguyên văn: fine chalky ware= gốm mịn có lớp phấn trắng.
9 http://http-server.carleton.ca/~bgordon/Rice/papers/pei90.htm#Pottery
10 http://academic.mu.edu/meissnerd/conroy.htm
11 http://fuzhou.chinadaily.com.cn/e/2010-04/06/content_9692349.htm
12 http://www.cuhk.edu.hk/ics/ccaa/en/trip4.htm.
13 www.cuhk.edu.hk/…/Tang%20Chung.htm
14 http://www.hku.hk/hkprehis/course.htm?I
15 Pháp sư shaman ở người Mường gọi là bố mo, ở người Tày là thày tào, bà Then, ở người Việt là thày cúng, thày phù thủy, ông đồng bà cốt.
16 http://www.chinatoday.com.cn/English/e2007/e200705/p10.htm
17 http://culture.gxnews.com.cn/staticpages/20090423/newgx49efd8d6-2014724.shtml
18 Trên mạng http://www.cinet.gov.vn của Bộ văn hóa-Thông tin, có ai đó dường như đã dựa vào câu của Nguyễn Việt để viết : Xóm Rền là nơi Hùng Vương phát tích và là nơi đại diện cho thủ lĩnh bộ lạc mạnh nhất đương thời của các tộc người ở Bắc Việt Nam tiếp đón sứ giả nhà Thương (!?).
19 http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=79088&Catid=58.
20 Trong sách báo tiếng Anh, đĩa Bích thường viết là bi disk, chữ bi=bích để ngả hay viết hoa. Tôi chọn cách viết hoa.
21 www.cuhk.edu.hk/…/trip4.htm
22 Từ tiếng Anh: T sectioned “flanged”ring; T-shape bracelet; collared rings, flaring bracelet.
23 Collared Bi disk/ low collared Bi disk.
25 http://depts.washington.edu/chinaciv/archae/2dwkmain.htm; http://http- server.carleton.ca/~bgordon/Rice/papers/wenmin20.rtf.
26 http://en.wikipedia.org/wiki/Austro-Tai_peoples
27 Tiếng Anh: tooth evulsion, tooth ablation, tooth exelcymosis,tooth mutilation.
Bài viết Nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Sài Gòn Xưa.
[yotuwp type="keyword" id="“Bí ẩn văn hóa Phùng Nguyên: Hành trình tìm kiếm nguồn gốc bí ẩn”" ]Hợp âm guitar và tư thế bấm trong bài: